Trong hai ngày 19-20/12, tại trường Đại học Y Hà Nội , Hội Gây mê – Hồi sức Việt Nam và đối tác đã tổ chức Diễn đàn Gây mê Châu Á lần thứ 9.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Gây mê- Hồi sức cho biết, Diễn đàn Gây mê Châu Á được tô chức thường niên mỗi năm một lần tại một trường đại học của một nước trong khu vực. Đây là lần đầu tiên, Diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam và tại Trường Đại học Y Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú- Phó Chủ tịch Hội Gây mê- Hồi sức Việt Nam phát biểu tại diễn đàn Gây mê Châu Á lần thứ 9 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực gây mê hồi sức của các nước trong khu vực, các nhà quản lý Trung tâm, khoa, bộ phận gây mê hồi sức trong các cơ sở y tế, các bác sĩ trực tiếp làm gây mê hồi sức và các học viên sau đại học, nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nghiên cứu mới, đồng thời tăng cường đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về chuyên ngành gây mê hồi sức.
Tại Diễn đàn, bên cạnh các bài giảng và trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia về gây mê hồi sức với các đại biểu còn có các trao đổi về các ca bệnh lâm sàng và thực hành các kỹ thuật mới về gây mê hồi sức.
Gây mê hồi sức ngày nay đã có những tiến bộ và bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những yếu tố quyết định làm nên những thành công của ngành ngoại khoa nói chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ngoài yêu cầu quan trọng về nguồn nhân lực, gây mê hồi sức cần có điều kiện trang thiết bị cần thiết, hiện đại để đảm bảo theo dõi và điều trị bệnh nhân trong và sau phẫu thuật.
Tại Việt Nam trong thời gian gần đây, mặc dù đào tạo gây mê hồi sức không ngừng được nâng cao, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn rất thiếu. Nhân lực y tế chuyên môn cao trong lĩnh vực gây mê hồi sức tại Việt Nam đang thực sự là một thách thức khi số lượng đang ít hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Cụ thể, theo số liệu của Hội Gây mê – Hồi sức Việt Nam, số lượng bác sĩ gây mê trên toàn quốc ước tính chỉ là khoảng 1.000 người.
Vai trò của thầy thuốc gây mê hồi sức không thể thiếu trong các cuộc phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa
Theo GS. TS Nguyễn Hữu Tú, gây mê hồi sức là chuyên ngành sâu, một trong các chuyên ngành được đào tạo dài nhất tại các nước trên thế giới; để trở thành 1 bác sĩ gây mê hồi sức sẽ mất khoảng 10-14 năm học tập.
Hiện trung bình mỗi năm tại Đại học Y Hà Nội có khoảng 150 bác sĩ gây mê hồi sức được đào tạo với các trình độ khác nhau.