Hà Nội

Giáo sư hàng đầu về dinh dưỡng từ Nhật Bản chủ tọa hội thảo quốc tế tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng

20-12-2023 13:00 | Dinh dưỡng
google news

Ngày 19/12, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tổ chức chương trình hội thảo quốc tế "Dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị bệnh" dưới sự chủ tọa của GS.TS Yasuhiko Toride đến từ Đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có báo cáo từ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, cán bộ y tế trong và ngoài nhà trường.

Đây là hội thảo quốc tế đầu tiên về dinh dưỡng được tổ chức ngay khi HIU chính thức được phép đào tạo ngành Dinh dưỡng trình độ đại học, khởi động mùa tuyển sinh mới năm 2024 với nhiều chính sách học bổng ưu đãi.

PGS.TS.BS. Lâm Hoài Phương - Phó Hiệu trưởng HIU đã phát biểu khai mạc hội thảo: "Trong những năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới năm tuổi từ 31,9% xuống còn 13,8%. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay như già hoá dân số, thay đổi lối sống, gia tăng bệnh không lây, từ đó có thể thấy vấn đề dinh dưỡng càng cần được chú trọng."

Giáo sư hàng đầu về dinh dưỡng từ Nhật Bản chủ tọa hội thảo quốc tế tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng- Ảnh 1.

PGS.TS.BS. Lâm Hoài Phương - Phó Hiệu trưởng HIU

Hội thảo đã cung cấp thông tin khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng cho các học viên, sinh viên khối sức khoẻ, tạo môi trường giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học, giảng viên và cán bộ y tế trong và ngoài nhà trường, từ đó thúc đẩy kết nối, phối hợp trong đào tạo và nghiên cứu giữa cơ sở thực hành và các khoa thuộc khối sức khoẻ của HIU.

GS.TS Yasuhiko Toride đến từ Đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản, nguyên là Giám đốc phát triển các dự án cải thiện dinh dưỡng của Ajinomoto tại các nước Nam Phi, Indonesia, và hơn 37 năm công tác trong ngành dinh dưỡng tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản. Đến với hội thảo cùng nội dung tham luận "Bức tranh dinh dưỡng toàn cầu" ông chia sẻ gần 50% dân số thế giới ở trong tình trạng dinh dưỡng kém, trong đó ước tính gần 150 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị thấp còi, hơn 45 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và gần 40 triệu trẻ bị thừa cân. Bên cạnh đó, hơn 40% người trưởng thành (tương đương 2,2 tỷ người) bị thừa cân hoặc béo phì.

Giáo sư hàng đầu về dinh dưỡng từ Nhật Bản chủ tọa hội thảo quốc tế tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng- Ảnh 2.

Đại diện Ban giám hiệu HIU tặng hoa cho các chuyên gia tham gia báo cáo tại hội thảo

Các kết quả nghiên cứu trên toàn cầu chỉ ra các chế độ dinh dưỡng trên thế giới vẫn chưa được cải thiện trong suốt 10 năm qua, gây ra mối đe doạ lớn với sức khỏe con người. Chính vì vậy dinh dưỡng rất quan trọng với tất cả tầng lớp, đặc biệt cần quan tâm tới người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ, công nhân tại các đơn vị. Tại Nhật Bản và các quốc gia lân cận, các doanh nghiệp kinh doanh về thực phẩm muốn phát triển bền vững cần quan tâm tới dinh dưỡng trong sản phẩm của mình cung cấp.

Tại hội thảo, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM khẳng định dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và đặc biệt là công tác phòng ngừa, điều trị bệnh. Dinh dưỡng có vai trò đặc biệt trong duy trì sự sống, tăng trưởng, lao động tốt, phòng bệnh, phục hồi sức khoẻ, điều trị, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó bà cũng đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành dinh dưỡng: "Nước ta đang thiếu hụt cử nhân làm công tác dinh dưỡng tại bệnh viện và cộng đồng. Tại Việt Nam, chỉ có một số trường đào tạo ngành này và số lượng cử nhân tốt nghiệp mỗi năm dao động 50-70 người, không đáp ứng đủ nhu cầu."

Giáo sư hàng đầu về dinh dưỡng từ Nhật Bản chủ tọa hội thảo quốc tế tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng- Ảnh 3.

Các đại biểu trong phần tham luận trả lời câu hỏi của hội thảo

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp cung cấp thông tin, từ 01/01/2024 khi Luật khám, chữa bệnh 2023 có hiệu lực đã có Điều 67 quy định về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định 2538/QĐ-BYT năm 2023 ban hành Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh để làm cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.

Quy định của Bộ Y tế, bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng; mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu một người làm chuyên môn về dinh dưỡng.

Vì thế, cử nhân ngành này có cơ hội làm việc tại khoa dinh dưỡng tiết chế của các bệnh viện, các đơn vị như trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế, viện nghiên cứu liên quan tới dinh dưỡng, đơn vị truyền thông giáo dục về sức khoẻ, các trường đại học, hệ thống cơ sở sản xuất thực phẩm hoặc tham gia hệ thống phòng tư vấn.

Giáo sư hàng đầu về dinh dưỡng từ Nhật Bản chủ tọa hội thảo quốc tế tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng- Ảnh 4.

GS.TS Yasuhiko Toride đến từ Đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản

Dinh dưỡng là ngành học quan trọng, bắt kịp xu hướng thời đại trong việc nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật cho con người. Theo học ngành cử nhân dinh dưỡng, sinh viên sẽ được đào tạo bốn năm với các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về dinh dưỡng như dinh dưỡng cộng đồng, lâm sàng, tế bào, …

HIU chính thức được phép đào tạo ngành Dinh dưỡng trình độ đại học theo quyết định số 3667/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành ngày 08/11/2023.

Đây cũng là hội thảo quốc tế đầu tiên chuyên đề dinh dưỡng được HIU tổ chức, khởi động mùa tuyển sinh mới năm 2024 với nhiều chính sách học bổng ưu đãi: học bổng 100% học phí học kỳ I tương đương mức học phí chỉ 42,5 triệu đồng/năm. Sinh viên sẽ được tiếp cận hệ sinh thái 500 doanh nghiệp đồng hành, mang đến cơ hội việc làm, thực tập ngay từ năm nhất.

Đăng ký xét tuyển vào ngành dinh dưỡng của HIU ngay tại đây: xettuyen.hiu.vn




Thuý Huyền
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn