Hà Nội

Giám đốc BV K nói gì về thông tin "PET/CT là 'máy chém' bệnh nhân ung thư"?

GS.TS Trần Văn Thuấn

GS.TS Trần Văn Thuấn

Thứ trưởng Bộ Y tế

15-08-2017 09:26 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trước những thông tin gần đây xuất hiện trên mạng xã hội nghi ngờ rằng, "máy chụp tầm soát ung thư PET/CT thực sự có hiệu quả hay chỉ là "máy chém"?" với chi phí đắt đỏ, TTƯT.PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho rằng, cần hiểu đúng về sàng lọc phát hiện sớm ung thư và vai trò của PET/CT.

PV: Thưa ông, người ta hay nói đến việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư. Vậy cụ thể của việc làm này là gì và nên áp dụng cho những đối tượng nào?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là nghiệm pháp tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư trên những người bề ngoài khoẻ mạnh, chưa có triệu chứng của bệnh.

Sàng lọc ung thư còn được gọi là phòng bệnh bước 2 với mục tiêu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, nhằm tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, chi phí điều trị cũng sẽ giảm đi rất nhiều so với việc điều trị bệnh ở giai đoạn muộn. Phòng bệnh bước 1 là tránh phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ sinh ung thư, nhằm giảm tỉ lệ mắc ung thư.

Sàng lọc ung thư thường áp dụng trên người có yếu tố nguy cơ hay nhóm đối tượng phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư. Sàng lọc ung thư mục đích chính không phải là chẩn đoán ung thư mà là để xác định các dấu hiệu bất thường gợi ý, hướng đến có thể mắc ung thư, trên cơ sở đó tiến hành các phương pháp chuyên sâu để chẩn đoán xác định cho các đối tượng có bất thường trên nghiệm pháp sàng lọc.

Một số trường hợp phát hiện có tổn thương tiền ung thư, thì phải tiếp tục theo dõi sát hoặc can thiệp điều trị loại bỏ nếu cần. Do vậy sàng lọc ung thư chỉ có hiệu quả khi tổ chức được hệ thống theo dõi và điều trị hoàn chỉnh.

PGS.TS Trần Văn Thuấn.

 

PV: Vậy việc xét nghiệm sàng lọc ung thư cần phải đảm bảo những yêu cầu gì để mang lại hiệu quả cho người bệnh?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Với các ý nghĩa nêu trên, xét nghiệm sàng lọc ung thư phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Không cho kết quả âm tính giả quá cao, nghĩa là không được bỏ sót quá nhiều trường hợp ung thư.

- Không cho kết quả dương tính giả quá cao, nghĩa là không xác định nhầm từ dấu hiệu bình thường thành dấu hiệu bất thường nghi ngờ ung thư.

- Phải đảm bảo độ nhạy (khả năng phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư trên những người thực sự có bệnh ung thư) và độ đặc hiệu (khả năng loại trừ dấu hiệu sớm của ung thư trên những người thực sự bình thường) trên 80%.

- Xét nghiệm đó phải dễ thực hiện và không gây phiền toái. Có như vậy mới có thể tiến hành trên quy mô lớn, và được cộng đồng chấp nhận.

Vì sàng lọc ung thư thường áp dụng trên quy mô lớn, do vậy trên quan điểm y tế cộng đồng, các yếu tố cần thiết để quyết định thực thi, áp dụng một phương pháp sàng lọc ung thư phải hội tụ các yếu tố:

- Bệnh ung thư đó phải là vấn đề sức khoẻ lớn của cộng đồng (mức độ thường gặp, mức độ nghiêm trọng của bệnh).

- Bệnh ung thư đó phải có khả năng chữa trị được nếu phát hiện bệnh sớm (ví dụ: ung thư vú nếu phát hiện sớm chữa khỏi tới gần 100%, với ung thư phổi khuyến cáo chính là phòng bệnh bước 1 tức là không hút thuốc, ung thư phổi khó phát hiện sớm và ngay cả khi phát hiện được sớm thì hiệu quả chữa khỏi không cao).

- Phương pháp sàng lọc phải được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư đó qua các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (ví dụ: chụp vú, làm tế bào học âm đạo đã được chứng minh rõ giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú và ung thư cổ tử cung).

- Giá thành của xét nghiệm sàng lọc không quá cao.

 

PET/CT không nằm trong khuyến cáo sàng lọc của bất kì loại ung thư nào

PV: Như vậy có nghĩa là chúng ta không áp dụng sàng lọc cho tất cả các loại ung thư với tất cả các phương pháp chẩn đoán ung thư, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Đúng vậy. Các luận điểm trên giải thích tại sao chúng ta lại không áp dụng sàng lọc cho tất cả các loại ung thư với tất cả các phương pháp chẩn đoán ung thư.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn trên, thì PET/CT không phù hợp là một phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Trên thực tế cũng chưa có bất kì khuyến cáo nào liên quan đến sử dụng PET/CT trong sàng lọc ung thư của các cơ quan, tổ chức, cơ sở có uy tín trên thế giới về khám, chữa, nghiên cứu phòng chống ung thư, ngay cả ở các nước giàu có như Mỹ, Pháp, Nhật.

Một ví dụ đơn giản là xét nghiệm tế bào học âm đạo (PAP test) có thể kết hợp hay không với soi cổ tử cung cho khả năng phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm (ung thư tại chỗ - Tis) hoặc tiền ung thư (CIN 1,2,3) nhưng chụp PET-CT chắc chắn không có khả năng này.

Hơn nữa mỗi loại ung thư thường có các xét nghiệm sàng lọc riêng theo các tiêu chí trên, được lặp lại sau 1 khoảng thời gian xác định dựa vào lịch sử phát triển tự nhiên của bệnh ung thư đó vì nguy cơ tiềm ẩn ung thư có thể xuất hiện trong suốt cuộc đời mỗi người, ở nhiều thời điểm khác nhau. Trong khi PET/CT là xét nghiệm khá đắt tiền, khó thực hiện, không thể thực hiện đại trà và không nằm trong khuyến cáo sàng lọc của bất kì loại ung thư nào.

PV: Vậy vai trò chủ yếu của PET/CT là gì thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Vai trò chủ yếu của PET/CT là đánh giá giai đoạn ung thư hay mức độ lan tràn của bệnh, đặc biệt là đánh giá di căn, trên bệnh nhân đã có chẩn đoán mô bệnh học là ung thư.

Trên đối tượng chưa có chẩn đoán mô bệnh học ung thư, giá trị của PET/CT rất thấp. PET/CT cũng được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát, tiến triển sau kết thúc điều trị. Ngay cả với các vai trò này, thì giá trị chẩn đoán của PET/CT cũng không phải là 100%, nghĩa là PET/CT có thể rất nhạy trong phát hiện các tổn thương, nhưng mức độ đặc hiệu chỉ tương đối, nhiều trường hợp vẫn cần phải sinh thiết tổn thương để khẳng định chẩn đoán.

Chúng tôi có thể nói ý nghĩa, giá trị của một phương tiện chẩn đoán không nằm ở máy móc, thiết bị, mà cao nhất là ở người thầy thuốc vận dụng xét nghiệm hợp lý, tinh tế và phiên giải, nhận định kết quả thông minh, chính xác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn TTƯT.PGS.TS Trần Văn Thuấn!


Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn