Hà Nội

Cần làm gì khi chụp PET/CT?

27-09-2015 07:25 | Y học 360
google news

SKĐS - Chụp cắt lớp phát xạ (PET/CT) là một kỹ thuật rất có giá trị trong đánh giá chức năng sinh học của một số cơ quan nội tạng, chẩn đoán bệnh ung thư, bệnh lý thần kinh trung ương, tim mạch,...

Chụp cắt lớp phát xạ (PET/CT) là một kỹ thuật rất có giá trị trong đánh giá chức năng sinh học của một số cơ quan nội tạng, chẩn đoán bệnh ung thư, bệnh lý thần kinh trung ương, tim mạch,... Người bệnh cần thực hiện một số quy định khi chụp để đảm bảo kết quả chính xác.  Sau đây là những hướng dẫn của Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai đối với bệnh nhân khi thực hiện kỹ thuật này.

Cần làm gì khi chụp PET/CT?
Chụp PET/CT chẩn đoán ung thư cho bệnh nhân tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.   Ảnh: Vũ Ngọc

Trước khi chụp PET/CT

PET/CT thường được chỉ định đối với bệnh nhân ngoại trú. Trước khi chụp bệnh nhân cần:

- Mang theo tất cả hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân, nhất là các phim chụp X quang, siêu âm, CT, MRI và các xét nghiệm máu nếu có...

- Mặc quần áo thoải mái, không đeo đồ trang sức. Nhịn ăn hoàn toàn 6 tiếng trước khi chụp. Uống nhiều nước nhưng không được  uống các loại nước có chất cafein và đường. Không hút thuốc trong ngày chụp. Không thay đổi loại thuốc đang sử dụng.

- Trường hợp bệnh nhân đái tháo đường cần điều hoà đường máu về mức bình thường trước khi chụp và thời gian chụp sẽ dài hơn người không bị đái tháo đường.

- Tổng thời gian chụp từ 2 - 3 tiếng. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi trước khi chụp và có người đi cùng. Người bệnh phải đến đúng giờ. Nếu muốn sắp xếp lại thời gian thì phải thông báo lại được 48 tiếng bởi vì chất phóng xạ đánh dấu rất đắt và được chụp theo thứ tự đã lập trình.

Quy trình chụp

- Bệnh nhân phải điền thông tin cá nhân vào hồ sơ chụp. Nhân viên y tế sẽ đặt một đường truyền tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể uống thuốc an thần nếu cần.

 - Mức đường máu sẽ được kiểm tra ngay trước khi chụp. Bệnh nhân sẽ được tiêm một lượng nhỏ gluco FDG vào tĩnh mạch. Bệnh nhân sẽ được nghỉ 45 - 90 phút để chờ đợi cơ thể trao đổi chất với gluco FDG.

- Sau thời gian chờ đợi, bệnh nhân sẽ được đưa vào máy chụp, thời gian chụp khoảng 30 phút. Một số trường hợp có thể sẽ phải chụp thêm sau 2 hoặc 3 tiếng.

- Một số bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh tim có thể phải làm kiểm tra mức độ stress trước khi chụp PET/CT, dùng một hoá chất để tác động vào dòng máu chảy đến tim.

- Hợp chất đánh dấu thường được sử dụng nhiều nhất là đường gluco, vốn là chất thông thường mà mọi tế bào trong cơ thể đều cần. Liều bức xạ trong chụp PET/CT tương đương với chụp CT thông thường.

Sau khi chụp

Bệnh nhân sẽ cảm thấy bình thường vì không có tác dụng phụ sau khi tiêm hợp chất đánh dấu. Không hạn chế vận động sau khi chụp. Nên uống nhiều nước sau khi chụp vài giờ.

DTMN

 

 

 


Ý kiến của bạn