Nhiều người Việt Nam quan niệm, tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) là tháng của ma quỷ, những điềm xấu, không may mắn cũng thường xuất hiện trong tháng này. Vì vậy, đây là khoảng thời gian không tốt nếu mọi người thực hiện những hoạt động như cưới hỏi, mua sắm, khai trương.
Vào tháng này, nếu không may xảy ra những điều không may mắn trong cuộc sống, nhiều người thường có tâm lý "đổ lỗi" cho tháng "cô hồn".
Chị Hương (39 tuổi, Hà Nội) mới đây bị va chạm nhẹ khi tham gia giao thông. Trên đường đón con đi học về, khi sang đường, không may chị lái xe tông vào phần cửa trước của 1 chiếc xe ô tô khác. Tài xế xe bị đâm phải yêu cầu chị bồi thường 3 triệu đồng. Ngoài ra chị cũng mất thêm 2 triệu đồng để sửa xe vì xe cũng bị trầy xước và móp méo.
Va chạm khiến xe chị Hương bị móp nhẹ và trầy xước. Ảnh: NVCC.
Chị Hương cho rằng, vì là tháng cô hồn nên mới xảy ra việc đen đủi, khiến chị phải mất tiền như vậy.
"Khi sang đường tôi đi rất chậm vậy mà không hiểu sao vẫn bị tông vào xe ô tô đang di chuyển từ phía sau lên. Tôi lái xe cả năm nay rồi không vấn đề gì, nhưng tháng này vẫn không thoát khỏi "vận xui", khi thì vấp ngã, lúc lại tông xe", chị Hương nói.
Bà Hải (60 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng vì là tháng "cô hồn" nên con gái út của bà mới phải nhập viện. Sau khi vào viện bác sĩ chẩn đoán con bà bị mắc bệnh tim, cần được điều trị và xem xét phẫu thuật.
Bà Hải kể, con gái bà 20 tuổi, từ nhỏ hay ốm yếu, thường phải đi viện, nhưng hơn chục năm nay chỉ ốm vặt. Vậy mà lần này ốm tới chục ngày, điều trị tại nhà mãi mà không khá hơn nên phải đưa con đi khám.
"Thấy con không ăn uống được, gầy gò quá nên tôi mới đưa cháu đi khám thì lại ra đủ thứ bệnh. Nào là bệnh tim, viêm phế quản… tháng này đúng là đen đủi…", bà Hải phàn nàn.
Không chỉ bà Hải và chị Hương, rất nhiều người đều có suy nghĩ hễ cứ gặp chuyện gì không may trong tháng này đều cho là đen đủi do tháng "cô hồn".
Những đen đủi, sai lầm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi con người không cẩn trọng
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, khi gặp những chuyện đen đủi, nhiều người có tâm lý mặc định, đổ lỗi cho tháng "cô hồn", nhưng thực ra không phải vậy. Vào những tháng khác trong năm, những chuyện đen đủi tương tự vẫn có thể xảy ra, những sai lầm vẫn có thể mắc phải nếu người đó không cẩn trọng.
Nhiều người quan niệm, tháng 7 còn gọi là tháng "cô hồn", phải kiêng kỵ nhiều thứ trong tháng này. Ảnh minh họa.
Theo PGS TS Lê Quý Đức, từ xưa đến nay, vấn đề tâm linh chi phối con người rất nhiều, nên nhiều người tin tưởng vào vấn đề tâm linh quá mức. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận cuộc sống một cách rõ nét, không nên quá mê tín.
Tháng 7 âm lịch mọi người thường rất giữ gìn về công việc, đi lại, sinh hoạt, ăn uống… Mọi việc đều sẽ làm một cách rất cẩn thận và tỉ mỉ. Tuy nhiên, cũng có thể vì quá chú ý đến việc giữ gìn, lo lắng những điều không may làm tâm lý bị ảnh hưởng. Khi tâm lý bị ảnh hưởng thì rất khó để làm việc được chu toàn, chính lúc này điều không may có thể xảy ra như trượt ngã khi đi chơi, tai nạn khi tham gia giao thông, đứt tay khi nấu ăn…
"Không phải lúc nào cũng có thể tường minh được mọi thứ, để xem vấn đề này là duy vật hay duy tâm thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố… Cần kiêng kỵ những hành vi vô văn hóa, thường xuyên làm những điều tốt thì tâm lý sẽ thoải mái. Khi tâm lý thoải mái thì làm việc thường hanh thông, khó xảy ra những điều đen đủi", PGS TS Lê Quý Đức cho hay.