Ngày 2/11, BCH Đảng bộ TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 9 để bàn, cho ý kiến 3 nội dung quan trọng của thành phố gồm: Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn; Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với Báo cáo về tình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi): Bí Thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu từ kinh nghiệm thực hiện từ cơ quan, địa phương, lĩnh vực quản lý đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và góp ý trực tiếp vào các chính sách nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi; tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo.
Trong đó, cần bàn kỹ, bàn sâu các nhóm chính sách liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, đảm bảo hệ thống chính trị của thành phố phải thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho thành phố...
Về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn TP. Hà Nội: Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây luôn trở thành vấn đề "nóng" mỗi khi có mưa lớn, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại vật chất nhất định và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Đáng chú ý, không chỉ khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại cũng bị ngập... Các giải pháp, biện pháp mà các đơn vị trên địa bàn thành phố đang thực hiện mỗi khi xảy ra úng ngập chỉ là biện pháp tạm thời nhằm giải quyết tình huống, chưa phải các biện pháp căn cơ, có tính bền vững, lâu dài.
Trước thực trạng đó, Thường trực Thành ủy đã đi kiểm tra, khảo sát một số dự án Cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây: Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây tại khu vực từ cầu Am đến cầu La Khê, quận Hà Đông; Dự án Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính và dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Qua kiểm tra cho thấy, các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên đều triển khai chậm tiến độ đề ra, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập..
"Đây là vấn đề rất hệ trọng và bức thiết đối với thành phố. Vì vậy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND hoàn thiện Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập, trình xin ý kiến BCH Đảng bộ trước khi trình HĐND xem xét", Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá kỹ thực trạng đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn cũng như hệ thống xử lý nước thải của từng quận, huyện nói riêng và của thành phố nói chung; đánh giá thực trạng các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn; sự phù hợp của quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với Thủ đô, tại Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định "thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động" là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII xác định "đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại".
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố nghiên cứu, tham mưu, xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.