Hà Nội

Bộ trưởng Bộ TNMT nói gì khi Hà Nội ngập khắp nơi sau trận mưa lịch sử chiều 29/5?

30-05-2022 13:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, với Hà Nội phải tăng cường công tác dự báo; thiết kế đô thị phải thông minh, tạo ra hệ thống thoát nước, khi đã ngập phải sử dụng các máy bơm để thoát nước.

Hà Nội chìm trong biển nước sau trận mưa lớnHà Nội chìm trong biển nước sau trận mưa lớn

SKĐS - Trận mưa trút xuống Hà Nội chiều 29/5 khiến nhiều tuyến phố xảy ra tình trạng ngập nặng, các phương tiện ô tô, xe máy hư hỏng, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Như đã thông tin, sau trận mưa lịch sử chiều 29/5 khiến hàng loạt khu vực tại Hà Nội "chìm trong biển nước", gây khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trận mưa cũng đã gây thiệt hại tiền và tài sản của người dân khi hàng hoạt xe ô tô, xe máy bị hư hỏng phải gọi cứu hộ, sửa chữa.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay thời tiết đang có sự biến đổi thất thường. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ hiện tượng bất thường tập trung tại một thời điểm thì không có hạ tầng nào chịu được.

Bộ trưởng Bộ TNMT nói gì khi Hà Nội ngập khắp nơi sau trận mưa lịch sử chiều 29/5? - Ảnh 2.

Loạt tuyến phố tại Hà Nội "chìm trong biển nước" chiều 29/5.

Ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề như đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn".

Trước câu hỏi liên quan đến việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh "hễ mưa là ngập", ông Trần Hồng Hà cho rằng, cần nhìn nhận lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị.

"Khi thiết kế, mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau nhưng quan trọng nhất là phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết, số lượng dân cư. Tức là các hệ thống thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phải tính toán được mật độ dân cư cùng với hạ tầng. Thậm chí có những vấn đề không chỉ dự báo xảy ra hàng năm mà có thể 20, 30 đến 50 năm mới xảy ra 1 lần cực đoan thì cũng phải tính đến phương án", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Bộ TNMT nói gì khi Hà Nội ngập khắp nơi sau trận mưa lịch sử chiều 29/5? - Ảnh 3.

Một chiếc ô tô bị cây đè trúng sau trận mưa lớn trên phố Hàng Chiếu - Q. Hoàn Kiếm.

Lấy ví dụ cụ thể cho vấn đề này, ông Trần Hồng Hà nói, ở Nhật Bản có khu vực hầm chứa lớn vừa chống ngập, vừa giữ nước phòng khi hạn hán. Bên cạnh đó, có nhiều giải pháp khác mà các nước trên thế giới đã làm.

Trước câu hỏi liệu rằng tại vùng lõi đô thị ở nước ta có quá nhiều nhà cao tầng dẫn đến tình trạng ngập úng, người đứng đầu Bộ TNMT cho rằng, có ảnh hưởng nhưng chưa chắc đã có mối liên hệ với nhau.

"Ở đây tôi muốn nói là hạ tầng tiêu thoát nước phải tính toán bao gồm lượng nước con người sử dụng, lượng nước mưa trong thời tiết cực đoan", ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo; cần có dự án tổng thể đánh giá một cách căn cơ, đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết; cần nghiên cứu một cách kỹ càng, khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phải tính toán trong quá trình thiết kế các đô thị tạo ra hệ thống thoát nước, khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước. Bên cạnh đó, cần có dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như hệ thống chứa nước tạm thời".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nắng nóng mùa hè 2022 có phá vỡ kỷ lục hè 2020? | SKĐS


Lê Bảo
Ý kiến của bạn