Bật khóc như một đứa trẻ gặp cha sau hàng chục năm xa cách
Giữa tháng 7/2022, ông Phùng Văn Sỹ cùng đoàn cán bộ của xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào miền Trung một thời đất lửa, đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Như thói quen mỗi lần đến thăm viếng các nghĩa trang liệt sỹ, ông Sỹ dặn dò mọi người trong đoàn nếu thấy phần mộ liệt sỹ nào ghi quê quán Thái Bình thì chụp lại cho ông xem. Suốt 40 năm qua, người đàn ông đã bước sang tuổi 59 vẫn nuôi hy vọng mong manh có thể tìm thấy phần mộ của bố mình.
Ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 có 10.000 liệt sĩ yên nghỉ. Sau khi làm lễ, dâng hương, đoàn hành hương chia nhau đi thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ. Ông Sỹ cũng cầm nén hương, miệng khấn: "Bố ơi, trời thì nắng, nghĩa trang thì rộng, nếu bố sống khôn thác thiêng phù hộ cho con tìm được mộ bố…".
Cứ thế ông Sỹ lặng lẽ đi dọc các phần mộ trong khu nghĩa trang. Thấy một ngôi mộ tập thể ông dừng lại. Ông lần đọc từng cái tên trong danh sách 112 liệt sĩ Sư đoàn 320 và chăm chú nhìn vào tên những liệt sĩ quê hương Thái Bình.
Lúc này, trời Quảng Trị nóng như đổ lửa, đôi mắt ông Sỹ nhèm vì mướt mồ hôi nhưng chợt bừng sáng khi lướt thấy hàng chữ "liệt sĩ Phùng Văn Môn, sinh năm 1942, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình". Điều đáng chú ý cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh đều trùng khớp với đặc điểm của bố mình.
Vẫn chưa tin vào mắt mình, ông Sỹ lật dở tập hồ sơ của bố mà bao năm qua vẫn mang theo bên mình so sánh từng chữ. Sau khi biết chính xác đó là nơi an nghỉ của cha mình ông Sỹ bật khóc. Ông không nghĩ đây là ngày định mệnh ông tìm được phần mộ của cha.
"Ban đầu không tin vào sự thật, tôi phải dùng tay dụi mắt mấy lần, thậm chí tự cấu véo vào tay mình xem đây có phải là sự thực hay chỉ là mơ. Tôi khóc nức nở như một đứa con được bên cha sau bao ngày xa cách, ngay bên khu mộ phần tập thể đó", ông Sỹ xúc động nhớ lại.
Cố gắng tìm các thân nhân của các liệt sĩ còn lại
Liệt sĩ Phùng Văn Môn, lên đường nhập ngũ vào năm 1966, khi người con trai duy nhất mới 2 tuổi. Trong thời gian nhập ngũ, ông về thăm nhà được một lần duy nhất, để lại chiếc mũ tai bèo làm kỷ vật.
Cụ Phạm Thị Hoa (81 tuổi), vợ liệt sỹ Phùng Văn Môn chậm nước mắt kể: "Năm ông ấy về nhà rồi dặn: Anh đi lần này chưa biết lúc nào sẽ trở về, em ở nhà nuôi dạy con cho tốt, khi toàn quân chiến thắng, đất nước độc lập anh sẽ trở về. Nhưng ông ấy về lần đấy rồi đi mãi…".
Đến năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320 báo tin liệt sĩ Phùng Văn Môn hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam. Giấy báo tử ghi "thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo", nhưng không đề rõ nơi hy sinh và chôn cất.
Và gia đình cụ Hoa, ông Sỹ bắt đầu nỗi phấp phỏng, đau đáu mong mỏi tìm kiếm hài cốt, phần mộ người chồng, người cha liệt sĩ. Đến tuổi trưởng thành, ông Phùng Văn Sỹ đi nhiều nơi, tìm gặp những người cùng quê với bố mình để hỏi thăm tin tức. Ông cũng đi tìm người trực tiếp ký giấy báo tử của bố gửi về gia đình nhưng cũng không có manh mối nào.
Không nản chí, ông tiếp tục tìm đến các cựu binh Sư đoàn 320 để hỏi thông tin, rồi khi khắp các khu vực từng là chiến trường xưa, vào Đà Nẵng, Bình Dương… lên vùng rừng núi, lùng sục, nghiên cứu thông tin trên Internet… Hành trình ấy, đến tháng 7 này là gần 40 năm. Bao nhiêu công sức, năm tháng trước đó, mong mỏi tìm được phần mộ liệt sĩ Phùng Văn Môn nhưng vẫn không đem lại kết quả.
Lúc những hy vọng nhỏ nhoi nhất không còn, ông Phùng Văn Sỹ lại động viên mẹ và cả gia đình cố gắng. Cuối cùng, cơ duyên đã đến, ông tìm lại được mộ cha và vội về quê, vay mượn tiền của người thân, thuê một chuyến xe, mua thêm 112 bộ quần áo bộ đội bằng giấy, đồ cúng rồi cùng mẹ và 16 người thân là chú bác, con cháu vào Quảng Trị.
"Bao nhiêu năm xa cách, giờ âm dương cách biệt, tìm thấy tên ông ấy nhưng không nhìn thấy hình hài. Bao nhớ nhung cứ thế tuôn trào. Tôi khóc phần vì thương nhưng cũng vì quá hạnh phúc khi tìm được chồng sau bao năm mòn mỏi chờ đợi", cụ Phạm Thị Hoa, kể lại trong dòng nước mắt.
Ông Sỹ cũng cho hay: "Gia đình tôi đến nghĩa trang, cúng bố tôi thế nào, thì tôi cúng đồng đội bố tôi thế ấy. Bao năm xa nhà, xa quê hương, bố tôi chỉ có 111 đồng đội cùng nằm lại đây chia sẻ buồn vui, khắc khoải.
Sau đấy, gia đình tôi xin phép được mang một ít chân hương ở ngôi mộ tập thể của Sư đoàn 320 tại Nghĩa trang Đường 9 về quê nhà, để rước vong linh của bố tôi về với tổ tiên. Tôi sẽ cố gắng tìm các thân nhân của các liệt sĩ còn lại đang nằm trong ngôi mộ chung với bố tôi để viết thư báo tin. Biết đâu, trong những liệt sĩ đang nằm cùng bố tôi vẫn còn những hoàn cảnh như gia đình tôi".
Ông Phùng Văn Sỹ tâm sự, dù không thể đưa bố mình về với quê hương, nhưng niềm an ủi lớn nhất của gia đình là đã tìm thấy phần mộ của bố ông để con cháu sau này biết, tới thăm nom, hương khói…