Đảo lộn cuộc sống vì thiếu người giúp việc
Nhiều gia đình tại các thành phố lớn lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" vì không có người giúp việc hỗ trợ gia đình sau kỳ nghỉ Tết. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều người giúp việc có tâm lý "đủng đỉnh" ở quê ăn Tết, chưa có ý định quay lại với công việc hay tìm kiếm công việc mới.
Chị Hoàng Duyên (nhân viên văn phòng, quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, gia đình có hai con nhỏ, công việc ở cơ quan rất bận rộn, thường xuyên phải trực, do vậy nhiều năm nay vợ chồng chị phải thuê giúp việc đến ở cùng.
"Khi về nghỉ Tết, người giúp việc hẹn mùng 5 Tết sẽ lên làm lại để gia đình kịp chuẩn bị đi làm, thế nhưng hôm nay đã ngoài mùng 10 vẫn chưa thấy người giúp việc quay trở lại. Vợ chồng tôi gọi điện để về quê đón bác lên thì bác bảo phải ngoài Rằm tháng Giêng mới đi được. Do vậy hai vợ chồng tôi phải nhờ bà ngoại ở quê lên trông con giúp mấy ngày" - chị Duyên nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Người giúp việc cũ đã xin nghỉ từ trước Tết nên gia đình cũng sốt sắng đi tìm người mới. Nhờ người quen giới thiệu giúp việc mới, tuy nhiên ai cũng hẹn 1 - 2 tuần nữa bởi ăn Tết chưa xong".
Cực chẳng đã, chị Thủy lên mạng xã hội, đăng bài tuyển giúp việc tại các hội nhóm trên mạng xã hội, nhưng đã phỏng vấn một số người mà chưa tìm được ai phù hợp. "Do vợ chồng trẻ, mà một số bác lại lớn tuổi, lối sống và cách làm việc không có sự tương đồng. Đặc biệt, để trông con nhỏ, phải tìm được người thật thà, yêu trẻ mới dám yên tâm giao con cho họ", chị Thủy than thở.
Vì không thuê được người giúp việc tại nhà lâu dài nên một số gia đình lựa chọn dịch vụ thuê giúp việc, dọn dẹp theo giờ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, trên một số trang mạng xã hội, dịch vụ dọn nhà theo giờ có giá thuê từ 50.000 - 60.000 đồng/giờ. Những người có kinh nghiệm thì giá thuê cao hơn, từ 70.000 - 100.000 đồng/giờ. Còn giá dịch vụ dọn nhà theo diện tích mặt bằng thì từ 20.000 - 30.000 đồng/m2...
Đặc biệt, dịch vụ giúp việc theo giờ rất "đắt hàng" sau Tết. Thậm chí tại một số trung tâm giới thiệu việc làm, khách hàng cần phải đặt lịch trước 2-3 ngày mới sắp xếp được nhân viên dọn dẹp.
Người giúp việc có cần phải ký hợp đồng lao động?
Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện nay, giúp việc gia đình là một nghề có tính chất đặc thù được pháp luật công nhận. Do đó khi thuê người giúp việc, người sử dụng lao động phải tuân theo các quy định của Bộ luật Lao động.
"Việc ký hợp đồng lao động cũng giúp người giúp việc đảm bảo quyền lợi trong quá trình làm việc. Đồng thời cũng giúp nhiều gia chủ tránh được tình trạng chật vật tìm người giúp việc mới sau Tết", Luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Tại Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình. Cụ thể, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Do vậy, luật sư Tuấn khuyến cáo, khi thuê người giúp việc nhà dù là người quen hay được người thân giới thiệu thì chủ nhà cũng cần phải ký hợp đồng lao động đầy đủ. Không nên thỏa thuận sử dụng lao động bằng miệng để hạn chế việc xảy ra tranh chấp.
Xem thêm video được quan tâm:
Tin nóng: Xót xa hình ảnh cuối cùng của cô gái trẻ bị sát hại rồi giấu trong phòng trọ tại Hà Nội