Người Việt rất coi trọng việc cúng lễ trong ngày Rằm tháng Giêng bởi đây là ngày Rằm đầu tiên của năm mới. Ngoài ra, vào ngày này, người dân có thói quen đi lễ chùa, cầu bình an và may mắn cho mọi người trong gia đình. Vậy cần phải cúng Rằm tháng Giêng 2024 như thế nào cho đúng?
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 ngày nào tốt?
Theo Lịch vạn niên, ngày Rằm tháng Giêng 2024 rơi vào ngày 24/2/2024 dương lịch, thứ Bảy.
Theo quan niệm dân gian, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm là linh thiêng nhất. Bởi đó là thời điểm trăng tròn và sáng nhất đầu năm, Đức Phật giáng lâm ban phước lành, phúc khí vượng, chúng sinh vì thế mà an vui hưởng lạc.
Tiến hành cúng dường Phật thành tâm ắt được Ngày độ trì cho an nhiên, thịnh vượng. Vậy nên mới có câu "Cúng lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" là vì lẽ đó.
Theo lẽ thường, ngoài ngày chính Rằm 15 âm lịch, một số nơi thường tiến hành cúng khấn vào ngày 14 âm lịch.
Tuy nhiên, theo lịch vạn niên năm 2024 ngày 14/1 âm lịch rơi vào ngày Sát chủ, khá xấu. Theo quan niệm dân gian, ngày này thuộc Bách kỵ, trăm sự đều kỵ, không nên làm các việc trọng đại, bất kể đối với tuổi nào.
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 giờ nào đẹp?
Trong ngày chính tức ngày 15/1/2024 để thực hiện cúng Rằm tháng Giêng 2024 có 3 khung giờ đại cát để tiến hành bao gồm:
Giờ Mão (5h-7h) - Giờ Ngọc Đường: Giờ này thuộc sao Thiếu Vi và sao Thiên Khái chiếu sáng. Rất tốt cho khởi sự mới, tiến hành các nghi lễ cầu cúng linh thiêng, sau này làm việc gì cũng được quý nhân tương trợ, nâng đỡ, thành công đến bất ngờ ngoài mong đợi.
Giờ Ngọ (11h-13h) - Giờ Tư Mệnh: Giờ này thuộc sao Nguyệt Tiên và sao Phượng Liễn chiếu. Tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào khung giờ này được cho là Đại cát, bởi là thời điểm Phật giáng thế, nghiệm chứng lòng thành cho gia chủ, giúp công việc làm ăn phát triển như diều gặp gió, dù khó khăn đến mấy vẫn vượt qua. Tiền của vật chất đong đầy, cuộc sống sung túc, bình an và hạnh phúc viên mãn.
Giờ Thân (15h-17h) - Giờ Thanh Long: Giờ này thuộc khung giờ của sao Thiên Ất chiếu, rất tốt cho khởi sự. Tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào giờ này thì mưu sự thuận lợi, nhất là việc kết hôn, thành gia lập thất lại càng viên mãn.
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 ở chùa hay tại gia?
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 ở nhà hay ở chùa đều được, nếu sắp xếp được thời gian, gia chủ có thể tiến hành cúng cả 2 nơi. Cúng tại gia, tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế gia đình mà đồ lễ mỗi nhà mỗi khác, cái chung là đều thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh, thần linh.
Còn khi làm lễ ở chùa, gia chủ chuẩn bị lễ chay dâng Phật, thánh, mục đích vẫn là cầu mong sức khỏe, bình an, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới.
Cách thắp hương đúng ngày Rằm tháng Giêng
Thắp hương là một phần trong các nghi thức - nghi lễ cúng bái thần linh và tổ tiên, là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt ta, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên và chư vị Thánh Thần vì đã phù hộ, giúp đỡ cho gia đình trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, vào ngày cúng Rằm tháng Giêng 2024 thắp hương sao cho đúng có thể nhiều người vẫn còn thắc mắc.
Theo đó, vào ngày rằm tháng Giêng và những ngày rằm, các gia chủ thường thắp 3 nén nhang. Bởi 3 nén nhang mang lại ý nghĩa: tâm nhang (lòng thành gia chủ), giới nhang (vâng theo lời răn dạy của Đức Phật) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
3 nén hương: Theo đạo Phật còn được gọi là Tam Bảo hương. Cái gọi là Tam Bảo, chính là Phật, Pháp, Tăng, trong đó Pháp chính là kinh Phật, còn Tăng là người xuất gia.
Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau: đó có thể là Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ - Hiện tại - Vị lai), Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ).
(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.