Vỏ ngoài sang trọng, bánh kẹo thì "lèo tèo"
Khi các gia đình làm lễ hoá vàng xong thì việc khui quà Tết bắt đầu, trong đó có không ít video bóc quà trên các diễn đàn mạng xã hội ghi lại các tình huống trớ trêu khi gia chủ khui các hộp quà Tết với "vỏ một đằng, ruột một nẻo".
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Anh (TP. Thái Bình, Thái Bình) chia sẻ: "Tết năm nay, gia đình nhận được nhiều giỏ quà Tết. Các giỏ quà được trang trí đẹp mắt, cầu kỳ khiến cả nhà rất háo hức. Đến tối mùng 7 Tết, tôi và chồng bóc giỏ quà ra thì bất ngờ gặp phải tình trạng vỏ hộp sản phẩm ghi tên những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, nhưng bên trong chỉ thấy nho khô, bánh kẹo Việt".
Chị Hoàng Anh cũng đăng tải video khui quà lên mạng xã hội để phản ánh về thực trạng "treo đầu dê bán thịt chó", rất nhiều người đã vào bình luận và cho hay, họ cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Đặc biệt, không ít trường hợp gặp phải tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu. Đa số các sản phẩm lấy tên giống với một số thương hiệu bánh nổi tiếng. Nếu nhìn lướt qua, nhiều người dân không thể nhận biết đâu là hàng thật, sản phẩm "đạo nhái" chỉ khác một vài kí hiệu hoặc chi tiết nhỏ.
Một số thương hiệu bánh nổi tiếng như ChocoPie bị đạo nhái thành ChocoPain, ChocoBana, ChocoPai,... thương hiệu bánh Danisa bị đạo nhái thành Damisa, Diary, Dinase... khiến nhiều người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn khi mua.
Anh Nguyễn Hùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, anh đã đặt mua một lẵng quà Tết trên mạng xã hội với giá 500.000 đồng để bày lên ban thờ. Tuy nhiên khi nhận hàng thì toàn bánh kẹo nhái thương hiệu, anh Hùng đành phải bỏ đi chứ không dám bày Tết.
"Đây là hiện tượng lợi dụng dịp Tết Nguyên đán để kiếm lời. Rút kinh nghiệm từ Tết năm nay, năm sau nhà tôi sẽ không mua giỏ quà Tết sẵn nữa mà tự tay chọn những loại bánh kẹo rồi nhờ chủ cửa hàng gói giúp. Mặc dù chi phí cao hơn nhưng chất lượng giỏ quà xứng đáng với số tiền bỏ ra, và an tâm ăn uống", anh Hùng nói.
Cẩn trọng khi sử dụng bánh kẹo kém chất lượng
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết nhu cầu tiêu dùng các loại bánh kẹo tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ... Việc sử dụng mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc rất nguy hại cho sức khỏe.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, khi sử dụng những loại bánh kẹo kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ gây nên các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Bánh kẹo, mứt, hạt dưa kém chất lượng có thể chứa nhiều các chất độc hại như chất Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư; chất phụ gia tạo màu gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về não, ung thư; chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây chán nản...
"Những phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thường có giá thành cao, do đó nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng phụ gia công nghiệp để chế biến thực phẩm, hoặc có thể dùng phụ gia nằm trong danh mục cho phép nhưng lại sai nồng độ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Để đảm bảo sức khoẻ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng bánh kẹo tại những cơ sở sản xuất, thương hiệu uy tín, ghi rõ thành phần và hạn sử dụng, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân cần "tẩy chay" những sản phẩm hàng giả, hàng nhái để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình và người thân.
Xem thêm video được quan tâm:
Tối 17/2: Nhóm “báo thủ” gây hàng loạt vụ cướp giật liên quận trong dịp Tết, bất ngờ lời khai?| SKĐS