Dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học là chìa khóa của sức khỏe dẻo dai

02-07-2023 15:07 | Y tế
google news

SKĐS - Sáng 2/7, hàng trăm người dân đã được các bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh tại sự kiện "Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam" do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dinh dưỡng toàn cầu Herbalife.

Các gian hàng trong Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam 'rôm rả, đắt khách'Các gian hàng trong Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam "rôm rả, đắt khách"

SKĐS - Bên cạnh không khí sôi động phía trong sân khấu, các gian hàng dinh dưỡng trong Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam cũng tấp nập người dân tới thăm khám, trải nghiệm.

Nhiều người nhận thức về dinh dưỡng còn lệch lạc

Ngày 2/7, tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (khu vực Bờ Hồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam. Sự kiện do Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dinh dưỡng toàn cầu Herbalife.

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam được Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức công phu, hoành tráng, là ngày hội về chăm sóc sức khỏe, thay đổi dinh dưỡng, truyền cảm hứng cho cộng đồng thực hiện lối sống năng động, lành mạnh. Sự kiện này cũng là bước khởi động cho cuộc thi TÔI KHỎE ĐẸP HƠN lần 2 – do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức, dự kiến trong năm 2023.

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam có 10 gian hàng để khách tham quan tại tuyến phố đi bộ được các chuyên gia về dinh dưỡng tư vấn sức khỏe. Người dân sẽ được kiểm tra các chỉ số sức khỏe như chỉ số BMI, chỉ số vòng eo - hông... đặc biệt hơn là được tư vấn dinh dưỡng trực tiếp miễn phí từ các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đến từ Viện Dinh dưỡng, Bộ môn Dinh dưỡng – Trường Đại học Y Hà Nội, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng... 

Dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học là chìa khóa của sức khỏe dẻo dai - Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn dinh dưỡng cho khách tham quan tại sự kiện.

Là người trực tiếp khám, tư vấn dinh dưỡng cho hàng trăm người tại sự kiện, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng đánh giá, hiện người dân đã có ý thức và hiểu biết tốt hơn về dinh dưỡng và vận động. Song hiểu và áp dụng riêng cho mỗi người thì nhìn chung chưa ổn. Nhiều người vẫn áp dụng một cách máy móc theo khuyến nghị chung của cộng đồng mà không có sự chọn lọc thông tin để áp dụng riêng cho bản thân mình. 

"Mỗi người phải có chế độ ăn, chế độ tập luyện phù hợp với bản thân và độ tuổi, tính chất công việc, bệnh kèm theo... Để có được chế độ tốt nhất, buộc phải khám và tư vấn dinh dưỡng. Khi đó bác sĩ sẽ khám, làm thêm các xét nghiệm, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể như ưu tiên các thực phẩm tự nhiên, sau đó mới sử dụng các thực phẩm thay thế khác. Hiện nhiều người đang áp dụng thái quá, có hiện tượng lạm dụng thực phẩm thay thế mà quên đi các bữa ăn tự nhiên là không ổn", BS. Hưng nói.

Có một vấn đề mà BS. Hưng gặp phải ở rất nhiều bệnh nhân trong quá trình thăm khám là việc sợ chất béo quá mức. Sợ chất béo, chất bột đường, rồi ăn quá nhiều chất đạm, lạm dụng các loại hoa quả, hạt có dầu đang có xu hướng ăn theo lối lạm dụng thực phẩm ở một số người. Trong khi chúng ta phải biết trong dinh dưỡng thực hành, cần phải cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Điều này phụ thuộc vào tuổi, vào giới, đặc điểm bệnh, tình trạng lao động... và cân đối 3 chất sinh năng lượng là chất bột đường, chất đạm, chất béo phù hợp. Sau khi tính tổng các chất này rồi thì phải cân đối thành các bữa ăn trong ngày. Các thành phần phải được chia cân đối, hợp lý trong các bữa ăn sáng, trưa, tối. 

"Người dân cần phải biết các nguồn cung cấp dưỡng chất của thực phẩm. Ví dụ chất béo có từ động vật và thực vật, cân đối giữa chất béo trong các loại hạt và các loại thịt cá như thế nào. Hay như chất đạm có trong thực phẩm động vật và thực vật, phải kiểm soát như thế nào. Thực tế có nhiều người quá thần thánh thực phẩm từ thực vật, kiêng hoặc tuyệt đối không ăn thực phẩm từ động vật... lại không hợp lý. Việc cân đối hợp lý các thành phần này trong khẩu phần ăn mới có được chế độ ăn lành mạnh", BS. Hưng khuyên.

Dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học là chìa khóa của sức khỏe dẻo dai - Ảnh 3.

Đông đảo khách tham quan vây quanh lắng nghe TS.BS Nguyễn Trọng Hưng tư vấn dinh dưỡng.

Thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên là tốt nhất cho sức khỏe nên phải ưu tiên trong khẩu phần ăn. Việc tự cân đối khẩu phần ăn cho bản thân sẽ khá khó nếu không được đào tạo về dinh dưỡng, nên tốt nhất phải có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ. 

Trường hợp không có điều kiện đi khám dinh dưỡng thì nên duy trì thói quen ăn lành mạnh như ăn cơm (chất bột đường) phải chiếm 50-60% trong bữa ăn, sau đó là chất đạm từ 15-20%, tức lượng đạm là khá ít, còn lại là chất béo cho các món xào rán, dùng các loại hạt có dầu, hoặc thực phẩm chế biến dưới dạng nộm, trộn... để lấy chất béo từ dầu mỡ. Không nên quá cực đoan, chỉ ăn món luộc chẳng hạn thì không tốt cho sức khỏe.

Nên từ bỏ thói quen tìm đến "bác sĩ mạng"

ThS.BS Trần Thị Minh Nguyệt, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng là một trong những chuyên gia đảm nhận 1 trong 10 gian hàng khám tư vấn dinh dưỡng tại sự kiện Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam. Dù thời tiết nắng nóng song lượng người chờ xếp hàng được đến lượt khám ngày một dài. BS. Nguyệt thận trọng tư vấn chi tiết, tỉ mỉ từng trường hợp đến khám với những kiến thức về dinh dưỡng rất hữu ích, thiết thực, giúp người dân dễ dàng thực hành để đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe.

Dù số người xếp hàng dài nhưng BS Nguyệt nói, khám dinh dưỡng cần rất nhiều thời gian để tư vấn, giảng giải và đưa ra lời khuyên phù hợp, do vậy người nào đến khám cũng được tư vấn rất chi tiết, tận tình. 

Chị Nguyễn Thị Thùy Nhung (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đứng chờ đến lượt khám cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn rất vui vẻ, háo hức. Chị chọn đứng sát cạnh bác sĩ để nghe các tư vấn khác nhau về dinh dưỡng hợp lý. Chị cho biết, đây thực sự là một sự kiện ý nghĩa và có giá trị với người dân. Chị và nhiều người gần như chưa bao giờ biết khám tư vấn dinh dưỡng là gì, đến đây được các bác sĩ tư vấn tận tình, cách sử dụng thực phẩm thế nào là tốt, khẩu phần ăn nên ưu tiên gì, cách vận động ra sao cho hợp lý... 

Dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học là chìa khóa của sức khỏe dẻo dai - Ảnh 4.

ThS.BS Trần Thị Minh Nguyệt, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn dinh dưỡng cho khách tham quan gian hàng tại sự kiện Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam sáng 2/7.

Kết thúc buổi khám, đã có hàng trăm người được BS. Nguyệt tư vấn dinh dưỡng. Tất cả các trường hợp đến gian hàng đều được tư vấn chi tiết, tỉ mỉ về chế độ ăn, thực phẩm nên ưu tiên, thậm chí được gợi ý cả thực đơn dựa trên mong muốn của bản thân và điều kiện kinh tế. 

ThS.BS Trần Thị Minh Nguyệt cho biết, qua các phương tiện truyền thông, trình độ hiểu biết của người dân về dinh dưỡng và vận động cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều người biết lựa chọn dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên mỗi người là một cá thể riêng biệt, để biết rõ kiến thức đó có áp dụng được cho bản thân mình hay không thì nên tìm hiểu kỹ nguồn thông tin.

Trong chế độ dinh dưỡng nói chung, BS. Nguyệt khuyên sữa là "thực phẩm vàng" cho mọi lứa tuổi. Người lớn cũng cần uống khoảng 400-600ml sữa/ngày để phòng tránh nhiều bệnh của tuổi già. Nhiều người lo uống sữa sẽ khiến trẻ dậy thì sớm nhưng đây là quan điểm sai lầm. Sữa là thực phẩm rất cần thiết cho trẻ nhỏ và không liên quan đến việc dậy thì sớm. Tác nhân gây dậy thì sớm trong thực phẩm là các loại tăng trọng, thức ăn nhanh chế biến sẵn. Thực phẩm cân bằng, vận động phù hợp, tránh thừa cân béo phì... sẽ phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ.

"Đừng có lên mạng để tìm hiểu rồi tự áp dụng cho bản thân mình. Qua thăm khám chúng tôi thấy nhiều người rất cực đoan. Ăn kiêng một cách quá mức, hay sử dụng các thực phẩm thay thế, áp dụng những kiến thức không phù hợp. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ví dụ hệ tiêu hóa sẽ tiết ra men tiêu hóa, nếu lâu ngày bạn không ăn dầu mỡ thì tuyến tiêu hóa dầu mỡ sẽ teo dần đi. Hệ quả là tổn thương đường tiêu hóa, dẫn đến mắc các bệnh về dạ dày, đại tràng, rối loạn chuyển hóa dẫn đến thiếu vi chất, rồi các bệnh cơ xương khớp. Nhiều người bảo nhau không uống sữa vì sợ béo, nhưng thực tế sữa và các chế phẩm từ sữa rất cần cho cơ thể. Thiếu thực phẩm này dẫn đến mắc các bệnh về cơ xương khớp. Đặc biệt hiện nay các bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, gout... đều xuất phát từ những thói quen này", BS. Nguyệt chia sẻ.

Do vậy, cách để có sức khỏe tốt nhất là dinh dưỡng cân bằng, đúng, đủ. Tình trạng phổ biến hiện nay là thiếu vi chất. Cân bằng lại bằng cách lên một chế độ ăn lành mạnh cho bản thân và kết hợp với vận động. Đừng thái quá một loại thực phẩm nào mà nên cân bằng, ăn đa dạng các loại thực phẩm chứ đừng kiêng khem quá mức. Nhiều người cho rằng không ăn cơm sẽ tốt để giảm béo, nhưng cơm là tinh bột, là chất cần thiết cho não. Không ăn cơm lâu ngày thì mất dần trí nhớ. 

"Do vậy phải cân bằng tùy thể trạng béo gầy, người béo thì tăng cái này giảm cái kia và ngược lại. Mỗi người hãy đi khám dinh dưỡng ít nhất một lần trong đời để biết được những thông tin dinh dưỡng phù hợp với cơ thể", BS. Nguyệt khuyên.

Khám và tư vấn dinh dưỡng vốn là điều ít người lưu ý, đa phần có thói quen tìm đến "bác sĩ mạng" để lựa chọn thực phẩm, lên thực đơn và áp dụng. Nói về điều này, BS. Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, thói quen này cần phải thay đổi. Mọi người nên đến các cơ sở thăm khám dinh dưỡng để nhận được những lời khuyên dinh dưỡng hợp lý nhất trong lựa chọn thực phẩm theo mùa, tình trạng cơ thể, điều kiện kinh tế. Hiện, ý thức khám dinh dưỡng của người dân chưa cao, có những người ở ngay Hà Nội nhưng không biết về Viện Dinh dưỡng Quốc gia. 

BS. Hưng cũng khuyến cáo, dinh dưỡng hợp lý phải luôn đi cùng vận động, với người có thể trạng bình thường thì mỗi ngày hãy vận động từ 30-60 phút. Với những người có bệnh nền thì cần được bác sĩ tư vấn các hình thức vận động phù hợp với tình trạng bệnh. Người dân quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng hợp lý có thể đến khám tại các cơ sở khám của Viện Dinh dưỡng Quốc gia hoặc các khoa dinh dưỡng của các bệnh viện để được tư vấn dinh dưỡng phù hợp nhất.

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam: 'Ngày hội về chăm sóc sức khỏe, thay đổi dinh dưỡng cho toàn dân'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam: "Ngày hội về chăm sóc sức khỏe, thay đổi dinh dưỡng cho toàn dân"

SKĐS - Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống Trần Tuấn Linh nhấn mạnh Báo Sức Khỏe và Đời sống tổ chức Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam, 2/7 tại khu vực Bờ Hồ Hoàn Kiếm là "một ngày hội về chăm sóc sức khỏe, thay đổi dinh dưỡng cho toàn dân".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ngày hội Dinh dưỡng Cộng Đồng 2/7/2023 I SKĐS


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn