"Địa chỉ đỏ" ghi dấu Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM

30-04-2022 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong con hẻm tấp nập trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM có một "địa chỉ đỏ" rất đặc biệt. Đó là căn nhà số 287/70. Nơi đây có căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa Quốc gia.

Mới đến đầu hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3 hỏi về ngôi nhà chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn, ai nấy đều nhiệt tình chỉ bảo tôi. Họ dẫn tôi đến tận cửa nhà. "Đây, em vào đi".

Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 1.

Con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu - nơi có căn nhà là cơ sở cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn.

Căn nhà số 287/70 nằm trên 2 con hẻm thông nhau, qua 2 đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần có diện tích khoảng 37m2 (dài 14,9m, rộng 2,5m).

Nhìn bên ngoài, căn nhà nhỏ bình dị như nhiều căn nhà của người dân lao động trong ngõ hẻm này. Tuy nhiên, bên trong đó có cả một hệ thống hầm bí mật được thiết kế công phu, cất giấu gần 2 tấn vũ khí, 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK, súng B40 và 3.000 viên lựu đạn. Điều đặc biệt hơn nữa là căn nhà nằm ngay giữa trung tâm thành phố, gần Dinh Độc Lập. Tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối.

Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 2.

Năm 1966, ông Trần Văn Lai đã mua lại căn nhà này làm nơi cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn. Căn nhà có diện tích khoảng 37m2.

Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Chi, người trực tiếp trông coi di tích và hướng dẫn tham quan cho du khách thì người có công lớn làm nên điều đặc biệt này Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (biệt danh là Năm Lai, Mai Hồng Quế) và vợ là bà Đặng Thị Thiệp, cả hai đều là chiến sĩ biệt động thành.

Cuối năm 1965, ông Trần Văn Lai vừa làm việc tại Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM (do ông thường vào cơ quan U-SOM của Mỹ đấu thầu), vừa hoạt động bí mật trong đơn vị "bảo đảm" của Biệt động Sài Gòn.

Theo chỉ đạo của cấp trên, năm 1966, ông Trần Văn Lai đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Lai đào căn hầm bí mật để cất giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Ròng rã hơn 7 tháng trời vừa tính toán thiết kế vừa thi công trong bí mật, vợ chồng ông Trần Văn Lai đã hoàn thành căn hầm bí mật. Theo đó, nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, hầm chứa được khoảng 15 người, hơn hai tấn vũ khí, có cửa thoát hiểm và các lỗ thông khí.

"Địa chỉ đỏ" ghi dấu Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 3.

Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần làm nên những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

"Địa chỉ đỏ" ghi dấu Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Lai (Năm Lai, Mai Hồng Quế) cùng chiếc xe tô chở vũ khí từ căn hầm tiến đánh Dinh Độc Lập.

Chính từ căn hầm này, đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, các chiến sĩ Biệt động đội 5 đã tập trung để nhận vũ khí. Đội xuất phát trên 3 ô tô và một chiếc Honda tiến về Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đội 5 đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội.

Sau trận đánh, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì chúng nghi đây là nơi trú ngụ của Đội Biệt động. Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng Mỹ không biết có hầm vũ khí ở dưới. Mãi sau ngày thống nhất gia đình ông Trần Văn Lai mới có cơ hội trở lại căn nhà và phục hồi nguyên trạng.

Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 5.

Căn hầm từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí gồm: 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn…

Sau giải phóng, ông Trần Văn Lai và gia đình chuộc lại căn nhà trên và phục dựng lại. Năm 2002, ông Lai qua đời. Ông Trần Vũ Bình - con trai ruột ông Trần Văn Lai đã bền bỉ cất công tìm kiếm, mua lại những hiện vật, tư liệu và gặp các nhân chứng về Biệt động Sài Gòn.

Đến nay, ông Trần Vũ Bình đã sưu tầm được 10.000 tư liệu, hiện vật về Biệt động Sài Gòn. Mỗi hiện vật là một câu chuyện sinh động. Ông Bình cũng đã dành hàng chục năm trời để phục dựng nguyên trạng căn nhà số 287/68-70 với 2 hầm nổi, hộp thư bí mật và sưu tầm nhiều hiện vật xưa trưng bày tại đây để làm "sống dậy" căn nhà.

"Địa chỉ đỏ" ghi dấu Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 6.

Đường xuống căn hầm bí mật, từng cất giấu nhiều tấn vũ khí của biệt động Sài Gòn. Trong ảnh là nắp hầm ở phòng khách của căn hộ liền kề 287/70 được ngụy trang bằng những viên gạch bông.

"Cha tôi và các cô chú biệt động đã gian khổ, hy sinh cho đất nước mà không cần được báo đáp, không cần danh lợi... Vì vậy tôi và gia đình đã bảo tồn và phát triển lại những gì của ông cha ngày xưa và mong ước niềm tự hào đó được lan rộng ra cả cộng đồng, đến với tất cả mọi người, truyền lửa cho lớp trẻ hôm nay và mai sau", ông Trần Vũ Bình cho hay.

"Địa chỉ đỏ" ghi dấu Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 7.

Chiếc xe ôtô Citroen NCE-345 do ông Trần Văn Lai lái chở vũ khí và các đồng đội trong Đội 5 Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập đã được con trai ông là Trần Vũ Bình phục chế lại để trưng bày cho khách tham quan.

Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu là chứng tích sống động cho lòng yêu nước, trí thông minh, tinh thần quả cảm của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 6.

Căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu do ông Trần Vũ Bình (con trai ruột ông Trần Văn Lai) tiếp quản và phục dựng.

Di tích này cũng đã vinh dự được đón nhiều vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, quân đội đến thăm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) khi đến thăm căn hầm này đã khen ngợi tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn.


"Địa chỉ đỏ" ghi dấu Biệt động Sài Gòn - chứng tích lịch sử giữa lòng TP.HCM - Ảnh 9.

Căn nhà số 287/70 được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988 và hiện được mở cửa cho khách tham quan miễn phí.

Được biết, mỗi năm Di tích Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đón khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan, phần lớn là các khách quốc tế, đoàn học sinh, sinh viên...

Để phục vụ giới trẻ đến đây tham quan, trong đó có thế hệ con cháu các Biệt động Sài Gòn năm xưa, con trai ông Trần Văn Lai đã thiết kế một quán cà phê ngay tại di tích này để họ có thể trải nghiệm, tìm tòi về một quá khứ hào hùng của các Biệt động Sài Gòn cùng những kỷ vật mang dấu ấn thời gian.  

Nữ biệt động Sài Gòn hai lần tiến vào Dinh Độc LậpNữ biệt động Sài Gòn hai lần tiến vào Dinh Độc Lập

Nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) để lại quá khứ lẫy lừng một thời về sống cùng con cháu ở Gò Vấp (TP.HCM). Bà tâm sự; hạnh phúc chính là cuộc sống.


Kim Vân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn