Ðể có ngày 30/4

01-05-2019 07:25 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Để có ngày 30/4 đại thắng mùa xuân lịch sử, cuộc hành binh thần tốc táo bạo đó: “Chặt Buôn Mê Thuột rụng cả Tây Nguyên - Quét Huế Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng...” (Tố Hữu) dân tộc ta đã đi qua một cuộc hành trình với biết bao bước ngoặt, lập nên bao chiến công và đổ bao hy sinh mất mát để đến với cái đích cuối cùng là Sài Gòn - Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trưa ngày 30/4.

Lúc cánh cổng Dinh Độc Lập, thành trì cuối cùng của chế độ  ngụy quân,  ngụy quyền bị xe tăng quân giải phóng húc đổ cũng là lúc chính thức lịch sử đặt dấu chấm hết cho cuộc đấu tranh bền bỉ và quyết liệt. Hai chữ “giải phóng”, giải phóng Sài Gòn, giải phóng cả bao dồn nén chất chứa bỗng vang lên trong một ca khúc nổi tiếng kịp thời truyền đi thông điệp “Việt Nam - Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ca khúc như một hiệu triệu nói thay bao nhịp đập con tim, bao náo nức hồ hởi, bao cảm xúc thiêng liêng dâng lên hướng về một con người vĩ đại, lãnh tụ kính yêu trong niềm hân hoan: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Vâng, không chỉ trưa ngày 30/4 mà trong các cuộc hành quân những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn có Bác đồng hành vẫn “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”…

Xe tăng T54 mang số hiệu 843 của Quân giải phóng miền Nam đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập.                 Ảnh: Ryan-McMurray

Xe tăng T54 mang số hiệu 843 của Quân giải phóng miền Nam đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập. Ảnh: Ryan-McMurray

Trưa nay, trong dòng người vào thăm di tích bảo tàng Dinh Độc Lập, tôi bồi hồi đứng bên cạnh xe tăng cách đây 44 năm húc đổ cánh cổng sắt để cho Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm cờ lên Dinh Độc Lập. Con voi thép như mơ màng nằm ngủ yên lành trên bãi cỏ xanh mượt, dưới những tán cây cổ thụ xanh rờn. Bao thế hệ, bao  lứa tuổi đã đến đây chụp ảnh, đặc biệt là các bạn trẻ. Những cô gái áo dài thanh lịch duyên dáng làm mềm lại nắng Sài Gòn đang rót mật ong, làm dịu lại dư âm chiến tranh một thời. Nhìn các em nhỏ tung tăng đùa chơi bên khối vũ khí xanh ngời ánh thép, tôi lại chợt nhớ các anh buổi trưa năm ấy khi đến đây với bữa cơm dã  chiến trong sân Dinh Độc Lập mà nhà thơ Hữu Thỉnh - một phóng viên Binh chủng Thiết giáp đã chớp được khá thần tình trong ống kính tâm hồn của mình: “Cơm  dã chiến nấu bằng bếp điện - Rau muống xanh như hái tự ao nhà - Trời còn đầy ắp hoa và pháo...”’; Và rồi: Hàng cây so đũa cùng ta đó - Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng”. Vâng, trưa ngày 30/4 là cái đích cuối cùng của hành trình chiến thắng. Không biết những người lính ngày đó bây giờ ai còn, ai mất. Họ trở lại với cuộc sống  đời thường giản dị. Họ gọi nhau là cựu chiến binh, nhưng không thể “cựu ” hào khí chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn, mới mẻ và sống động. Chắc chắn những người con của họ: “Lớp cha trước lớp con sau - Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Những người lính trẻ ấy vẫn mang khí thế hào hùng ngày chiến thắng 30/4 đến với hải đảo biển khơi, với biên cương xa xôi. Đường đến ngày 30/4 là con đường vươn tới bao khát vọng thống nhất, độc lập, tự do; là con đường mở ra cho dân tộc ta “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn,  to đẹp hơn” như ý nguyện Bác Hồ mong muốn...


Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn