Cần ban hành văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến
Sáng 8/11, tại phiên thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Một số ĐBQH bày tỏ quan tâm đến vấn đề giáo dục – đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
ĐBQH Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, phương pháp dạy và học trực tuyến thời gian qua là phương pháp kịp thời, cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát, chất lượng dạy và học trực tuyến vẫn còn một số hạn chế.
Đơn cử như ở bậc tiểu học vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều gia đình không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị học liệu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ về công nghệ, phương pháp dạy học.
Để khắc phục, đại biểu Quân đề nghị cần rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. Đồng thời, xây dựng kho học liệu điện tử, chia sẻ chung cả nước. Các bộ ngành liên quan cần đặt ra quy định về số tiết học trực tuyến để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Chương trình học, phương pháp dạy, phần mềm từng cấp học cần được lựa chọn, thống nhất.
Từ những hạn chế trên, vị ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho học sinh, thầy cô giáo, đảm bảo việc học hiệu quả, an toàn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, ông Dương Tấn Quân đề xuất: "Các doanh nghiệp viễn thông cần xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, giáo viên khi học tập, truy cập học liệu, giảm giá dịch vụ học thêm cho các chương trình đào tạo từ xa".
Quan tâm hơn đến nhóm yếu thế, trẻ mồ côi
Nêu quan điểm về vấn đề này, một số ĐBQH đưa ra đề xuất cần quan tâm hơn nữa đến nhóm người yếu thế, người nghèo, trẻ mồ côi. ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nêu thực tế, thời gian qua việc dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn gây ra nhiều thách thức cho các địa phương. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam đối mặt dịch bệnh tái bùng phát mạnh hơn, cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề y tế, kinh tế, việc làm, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội…
Từ thực tế đó, vị ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề xuất Chính phủ tiếp tục ưu tiên ngân sách và nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm yếu thế, trong đó nhiều người cao tuổi, trẻ em mồ côi.
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn kiến nghị việc phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như phát triển hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Ông Nghĩa đề xuất, Quốc hội xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ông Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Quốc hội khẩn trương ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045; có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh hợp tác giáo dục với cơ sở uy tín trên thế giới; xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; Các địa phương tăng cường đào tạo nghề, nâng cao năng lực của người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông tin về tiêm COVID-19 cho trẻ em