Phân tích định hướng đề thi tốt nghiệp THPT 2025
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ kiểm tra kiến thức ghi nhớ đơn thuần sang đánh giá năng lực, tư duy vận dụng, giải quyết vấn đề. Sự thay đổi này, đặc biệt ở các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, khiến không ít thí sinh và giáo viên bất ngờ.
Thầy Đinh Đức Hiền, Giám đốc điều hành Trường FPT Bắc Giang nhận định: "Đổi mới triệt để của đề thi năm 2025 đã khiến nhiều thầy cô, học sinh sốc. Nhưng tôi nghĩ cái sốc đôi khi cần thiết để chúng ta bừng tỉnh sau thời kỳ giáo dục nặng về truyền đạt kiến thức, áp lực phải thay đổi". Thầy Hiền cũng đánh giá, đề thi có nhiều điểm đột phá, khép lại thời kỳ dạy, ôn luyện lối mòn, học tủ, buộc nhà trường, giáo viên, học sinh thay đổi cách dạy và học.
Cô Thanh Ngọc, một giáo viên dạy cấp THPT tại Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học. Thay vì truyền thụ kiến thức, giáo viên cần đồng hành, hướng dẫn học sinh cách tư duy, học, giải quyết vấn đề. Việc tạo hoạt động học tương tác, khuyến khích phản biện, sáng tạo sẽ là trọng tâm".

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội.
Cô Ngọc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật xu hướng ra đề, nghiên cứu tài liệu mới để đưa vào bài giảng, giúp học sinh làm quen định hướng mới sớm.
Cô Ngọc cho biết thêm, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 giảm câu hỏi yêu cầu ghi nhớ, thay vào đó là tình huống đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức linh hoạt. Điều này yêu cầu học sinh năm tới thay đổi cách học, không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn phải hiểu bản chất kiến thức, liên hệ giữa các phần, các môn và áp dụng vào thực tiễn. Giải bài tập sáng tạo, phân tích vấn đề đa chiều sẽ trở nên thiết yếu.
Lời khuyên cụ thể từng môn
Từ phân tích đề thi tốt nghiệp THPT 2025, các thầy cô Hệ thống Giáo dục Hocmai đưa ra gợi ý quan trọng cho học sinh chuẩn bị kỳ thi năm 2026:
Với môn Sinh học, đề thi không còn kiểm tra ghi nhớ máy móc, mà yêu cầu học sinh thể hiện tư duy, phân tích, vận dụng kiến thức vào tình huống đời sống. Do đó, việc học nên chuyển từ "học thuộc" sang "học hiểu" – hiểu cơ chế, bản chất, mối liên hệ giữa các kiến thức. Khi tiếp cận nội dung, đừng chỉ học khái niệm, hãy tự đặt câu hỏi: "Hiện tượng này xảy ra thế nào? Vì sao? Ứng dụng thực tế không?".
Bên cạnh đó, học sinh hãy rèn kỹ năng đọc hiểu bảng số liệu, phân tích biểu đồ, xử lý thông tin từ hình ảnh hay tình huống. Làm quen dạng câu hỏi Đúng/Sai theo ý nhỏ và trả lời ngắn sẽ giúp thí sinh chủ động hơn khi ôn thi. Bắt đầu sớm không chỉ giảm áp lực, mà còn giúp học sinh xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, sẵn sàng hiểu và làm chủ môn học thực chất.
Với môn Lịch sử, đề thi không kiểm tra "học thuộc lòng" máy móc sự kiện, mà tập trung đánh giá năng lực đặc thù của bộ môn – sử dụng tài liệu lịch sử, giải thích, đánh giá lịch sử, và năng lực vận dụng kiến thức lịch sử. Về kiến thức, học sinh cần nắm chắc kiến thức lớp 12 – phần trọng tâm của đề thi, đồng thời rèn kỹ năng đọc hiểu, phân tích tư liệu lịch sử. Hãy học cách phân tích, so sánh sự kiện và rút ra bài học lịch sử thay vì chỉ ghi nhớ thời gian, nhân vật.
Về lộ trình học tập, các em nên bắt đầu ôn luyện sớm, học đến đâu chắc đến đó, thường xuyên luyện tập theo dạng đề thi mới có tích hợp câu hỏi chùm, câu hỏi vận dụng tư liệu và câu hỏi mở. Dành thời gian hệ thống kiến thức, làm sơ đồ tư duy và tự luyện bài viết ngắn có dẫn chứng lịch sử rõ ràng. Cuối cùng, hãy giữ thái độ chủ động – tích cực – không sợ khó. Lịch sử là môn học của tư duy, hiểu biết và chính kiến. Học để hiểu và để trưởng thành, chứ không phải chỉ để vượt qua kỳ thi.
Với môn Địa lí, đề thi có điều chỉnh quan trọng; một trong những thay đổi lớn là không cho phép sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam trong phòng thi. Điều này đòi hỏi học sinh 2k8 phải nắm thật chắc kiến thức bản đồ, vị trí địa lí và mối liên hệ không gian.
Đồng thời, tỷ trọng các câu hỏi yêu cầu tính toán, xử lý số liệu đang gia tăng, cho thấy đề thi ngày càng đánh giá năng lực thực hành và tư duy logic, thay vì chỉ ghi nhớ máy móc.
Vì vậy, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, rèn kỹ năng phân tích bảng số liệu, biểu đồ, luyện tập thành thạo các dạng bài tính toán đơn giản và ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, hãy hình thành thói quen tư duy theo logic địa lí – tìm mối liên hệ giữa tự nhiên và kinh tế, giữa hiện tượng và nguyên nhân. Đó là chìa khóa để học tốt môn Địa lí trong giai đoạn mới, bối cảnh mới.