Thời gian qua, trong các nhà trường, không ít giáo viên gây hoang mang dư luận bởi "khả năng" mắng chửi, xúc phạm, nhục mạ, bạo hành học sinh dưới nhiều hình thức và gây phản ứng dư luận xã hội. Điều này không những làm xấu hình ảnh người thầy mà nỗi đau, ấn tượng về hành động bị sỉ nhục sẽ theo suốt cuộc đời của các em.
Chứng kiến học sinh phải chịu những "trận đòn" vô lý từ giáo viên và nhà trường như bị dọa đuổi học vì nhà trường cho rằng phụ huynh nhắn tin xúc phạm nhà trường hay giáo viên có những lời nói thô bạo, hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh chỉ vì "không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng mà cô giáo yêu cầu" hay làm sai bài tập…, PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Hà Thị Thư - Trưởng Bộ môn Công tác xã hội (Học viện Khoa học xã hội) xung quanh vấn đề này.
PV: Là một chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ nghĩ gì về những vụ bạo hành học sinh xảy ra gần đây?
TS. Hà Thị Thư: Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội và trở thành mối lo lắng của không chỉ các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là nỗi lo của tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, bạo lực lại xuất phát từ phía thầy/cô giáo đối với học sinh là một vấn đề suy thoái về đạo đức và hành vi đạo đức của một bộ phận giáo viên, đáng lẽ họ phải có trách nhiệm xây dựng môi trường học tập tích cực và an toàn cho học sinh. Trường hợp giáo viên sử dụng bạo lực hoặc lời nói thô bạo đối với học sinh cần có các biện pháp nghiêm mình để xử lý, cần có sự phối hợp với nhà trường và cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ học sinh và đảm bảo tính chuyên nghiệp trong giáo dục.
PV: Theo TS, các em cần làm gì để tự bảo vệ mình khi bị thầy cô giáo sỉ nhục, xúc phạm, xâm phạm thân thể và tinh thần ngay tại lớp?
TS. Hà Thị Thư: Với vai trò là chuyên gia giáo dục, là người mẹ của những đứa con, tôi mong muốn không một trường hợp học sinh nào bị bắt nạt/bạo hành và nhất là xâm phạm từ giáo viên trong nhà trường và tại môi trường lớp học. Các con dù có thế nào thì các con luôn xứng đáng được tôn trọng, yêu thương, bao dung từ người thầy, người cô. Tuy nhiên, các con cũng nên được giáo dục từ chính gia đình, nhà trường về sự độc lập, về việc biết bảo vệ bản thân và xây dựng lòng tự trọng trong chính mình.
Trong tình huống học sinh nào đó bị giáo viên sỉ nhục, xúc phạm hoặc bị xâm phạm thân thể và tinh thần tại lớp học, có một số bước mà học sinh có thể thực hiện ngay lập tức: Trước tiên, học sinh đó cần phải bình tĩnh để đảm bảo mình đang xác định đúng tình huống hay chưa; các con biết "xin lỗi" thầy/cô và bình tĩnh để xác định đúng "tội/lỗi" của mình từ đó xác định hành vi của mình cho phù hợp.
Nếu các em bị oan ức, khó giải thích, khó nói thì có thể tìm sự hỗ trợ từ bạn trong lớp nhất là những bạn có uy tín, có trách nhiệm. Cố gắng nói chuyện với giáo viên về tình huống mình đang gặp. Nên trò chuyện một cách lịch sự và tôn trọng để cố gắng giải quyết vấn đề (nếu có thể).
Trường hợp giáo viên không lắng nghe, các bạn trong lớp chỉ im lặng, ngồi nhìn thì học sinh hãy mạnh dạn đi ra khỏi lớp và và báo với thầy cô Ban giám hiệu nhà trường; báo với cha mẹ và người thân. Đồng thời giữ lại các bằng chứng bảo vệ mình (tin nhắn, email đe dọa, xúc phạm… hoặc bất kỳ thông điệp nào có thể hữu ích trong việc bảo vệ mình).
Một điều các em học sinh nên nhớ rằng bảo vệ bản thân là quyền của học sinh và nên được ưu tiên hàng đầu. Mọi hành vi sỉ nhục, xúc phạm hoặc xâm phạm từ giáo viên không được chấp nhận và có thể bị xem xét và xử lý theo quy định pháp luật.
PV: Với gia đình thì sao, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con, thưa TS?
TS. Hà Thị Thư: Nếu con em mình bị giáo viên bạo hành hoặc bị đối xử không tốt, đặc biệt là việc giáo viên sỉ nhục con trước lớp thì cha mẹ phải hiểu con họ đang là những đứa trẻ cần được quan tâm hàng đầu vì các con có thể ở trong nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau và lẫn lộn như đau đớn và sợ hãi, xấu hổ và mặc cảm; phẫn uất và căm thù; bế tắc và chán nản... Chính vì vậy, cha mẹ hãy tập trung vào con cái của mình trước để cho con thấy con được an toàn và được bảo vệ, được che chở bởi cha mẹ và gia đình. Cha mẹ hãy thật sự lắng nghe con, thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng ủng hộ con.
Sau đó, cha mẹ có thể ghi chép lại mọi thông tin liên quan đến việc bạo hành hoặc sỉ nhục từ giáo viên. Thu thập bằng chứng như tin nhắn, email, hoặc hình ảnh nếu có để có căn cứ bảo vệ con; Liên hệ Ban giám hiệu nhà trường, báo cáo về tình huống này và yêu cầu gặp người có trách nhiệm cao nhất để phối hợp giải quyết; Trong trường hợp cần thiết có thể tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, luật sư để được hướng dẫn đưa ra quyết định phù hợp.
PV: Để mỗi khi đối diện với thầy cô học sinh không phải dè dặt, sợ hãi, nhà trường cần thay đổi thế nào?
TS. Hà Thị Thư: Về phía nhà trường, nhà trường nên tổ chức tập huấn giáo dục về quyền và trách nhiệm của giáo viên theo quy định của pháp luật. Giáo viên cần biết rõ về quyền và trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo an toàn và phát triển tích cực của học sinh, không được phép "lạm quyền" để từ đó dễ nảy sinh hành vi xúc phạm học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường nên tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên về quản lý lớp học tích cực và tạo môi trường thân thiện, tạo ra những mô hình học tập tốt cho học sinh; tạo ra những diễn đàn, những buổi nói chuyện theo chủ đề tạo điều kiện cho học sinh có thể bày tỏ ý kiến và phản ánh về môi trường học tập, học sinh cảm thấy tin tưởng thầy cô và tìm sự giúp đỡ khi cần.
Cần có văn bản quy định rõ ràng về hành vi đạo đức trong ứng xử với học sinh và có các biện pháp kỷ luật phù hợp khi giáo viên vi phạm; Thúc đẩy mô hình trung tâm tư vấn, tham vấn tâm lý cho học học sinh và tổ chức các hoạt động hiệu quả để có thể giải quyết các vấn đề tinh thần và xã hội mà học sinh đang đối mặt; Thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các bên liên quan liên quan trong giáo dục học sinh như giáo viên, học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường nhằm tạo ra môi trường học tập an toàn và tích cực cho học sinh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS. Hà Thị Thư!