Để chị em không phải “vắt sữa bỏ đi” tại khu công nghiệp

06-08-2014 15:35 | Đời sống
google news

SKĐS - "Nhiều lúc về nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi rồi nghĩ đến cảnh con thơ ở nhà khát sữa, tôi không yên tâm làm việc"- một lao động nữ chia sẻ

Tỉ lệ bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại Việt Nam giảm đến 50% trong vòng 10 năm qua. Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, do điều kiện làm việc mà có đến 83% lao động nữ không thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, dù đây là khuyến nghị ưu tiên của Tổ chức Y tế thế giới.

Sữa mẹ - Món quà vô giá cho cuộc sống!

Bên lề hội thảo về chương trình Hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại doanh nghiệp – Kết quả triển khai và vận động mở rộng diễn ra ngày 6/8, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bà Hồng cho biết:

Nhiều nữ công nhân lao động đã tâm sự rằng: “Biết nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là tốt cho bé nhưng do điều kiện doanh nghiệp xa nhà nên tôi không thể về cho con bú. Nhiều lúc về nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi rồi nghĩ đến cảnh con thơ ở nhà khát sữa, tôi không yên tâm làm việc”.

Chính vì thế, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Nuôi dưỡng và Phát triển (A&T) đã tổ chức chương trình Hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, bắt đầu từ năm 2012.

Sau gần 3 năm triển khai tại các cơ quan, doanh nghiệp, bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình Hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại doanh nghiệp?

Điều không thể đã trở thành có thể từ khi doanh nghiệp được lắp đặt cabin vắt sữa tại nơi làm việc. Nhiều lao động nữ có thể ghé vào cabin bất cứ lúc nào để vắt sữa trữ mang về cho con. Dù đi làm hàng ngày nhưng con của họ vẫn được bú sữa mẹ. Và điều quan trọng là việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tiết kiệm chi phí cho người lao động mà còn có lợi cho doanh nghiệp bởi sữa mẹ giúp trẻ tăng sức đề kháng nên mẹ ít phải xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con. Do đó, ngay từ đầu chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp công đoàn, doanh nghiệp, người lao động tại nơi triển khai.

Kết quả cho thấy năm 2012-2013 đã có 9.000 lượt lao động nữ được nghe truyền thông trực tiếp về nuôi con bằng sữa mẹ; trên 12.000 lượt lao động nữ sử dụng 40 phòng vắt, trữ sữa được lắp đặt từ năm 2012-2013 tại các doanh nghiệp. Sau đó, chúng tôi tiếp tục xây dựng thêm 15 mô hình cabin vắt, trữ sữa mở rộng ở 15 địa phương…

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đến nay đã có 70 phòng vắt sữa được lắp đặt tại các doanh nghiệp, đơn vị cho lao động nữ. Số lượng này tuy chưa lớn so với hàng vạn doanh nghiệp trên cả nước nhưng bước đầu giúp lao động nữ ở các doanh nghiệp có không gian, thời gian tại nơi làm việc để vắt sữa và trữ sữa mẹ cho con, hình thành thói quen của lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và tiếp tục duy trì nuôi con bằng sữa mẹ ngay cả khi quay trở lại làm việc.

Hiện, một số Liên đoàn lao động tỉnh cũng đã có nhiều ưu tiên cho chương trình. Tôi được biết trong năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý trích hơn 1 tỉ đồng để mở rộng các cabin vắt, trữ sữa tại hơn 30 doanh nghiệp. Điều này cho thấy hiệu quả lan toả rất lớn từ chương trình.

Một số chị em công nhân vẫn chưa hào hứng với chương trình này vì nghĩ nó rất mất thời gian, bà có thể chia sẻ điều gì?

Hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sau thời gian nghỉ phép 6 tháng theo quy định là một chương trình rất nhân văn. Chị em vẫn có thể yên tâm làm việc, trong khi con vẫn được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ mà không một loại thức ăn nào có thể thay thế được.

Điều quan trọng hơn cả là thắt chặt sợi dây khăng khít của tình cảm mẹ và bé, bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể chất cho trẻ, và cũng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai.

Tôi được biết, tại một doanh nghiệp, thời gian đầu lượng người đến phòng vắt và trữ sữa rất ít, chỉ khoảng 6-9 người/ngày, nhưng sau đó đã được phổ biến kiến thức lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách vắt, trữ sữa và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đến nay sau 4 tháng hoạt động số người đến vắt sữa đã tăng lên khoảng 13-15 người/ngày.

Điều này cho thấy chương trình đang ngày càng lan toả và thu hút được nhiều lao động nữ vừa tiết kiệm được một khoản tiền dành cho việc mua sữa cho con mà lại rất an toàn, tiện lợi, giúp bé khoẻ mạnh, cứng cáp…

Xin cảm ơn bà!

 

 

Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc chương trình A&T Việt Nam:

WHO và UNICEF khuyến nghị các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, chỉ cho trẻ bú sữa mẹ, không cho trẻ ăn bất kỳ thức ăn hay đồ uống nào khác và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi.

Ở Việt Nam, chỉ có 20% số trẻ được nuôi dưỡng đúng cách. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lao động nữ cai sữa sớm là họ phải đi làm lại sớm. Quay trở lại làm việc và không có thời gian cho bú là nguyên nhân khiến bà mẹ tin rằng mình có ít sữa đi và phải dùng sữa bột thay thế.

Chương trình phối hợp giữa A&T với Tổng LĐLĐ Việt Nam Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc nhằm hỗ trợ thành lập các phòng vắt sữa tại nơi làm việc; hỗ trợ lao động nữ có thể tiếp tục cho con bú tối đa thông qua việc nâng cao nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ và các chính sách về lao động nữ. Đồng thời, khuyến khích lao động nữ áp dụng các thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu.

Dương Hải

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn