Vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách

11-08-2015 09:26 | Đời sống
google news

Làm ấm sữa bằng cách đặt bình vào một bát nước nóng hoặc đổ nước nóng quanh bình chứa sữa, không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng.

Làm ấm sữa bằng cách đặt bình vào một bát nước nóng hoặc đổ nước nóng quanh bình chứa sữa, không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng.
 
Cơ quan có đến 3 người nghỉ thai sản nên vừa sinh con được hơn 3 tháng là chị Trà, quận 2, TP HCM phải đi làm trở lại. Muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nên chị Trà chọn cách vắt sữa rồi bảo quản trong tủ lạnh nhờ bà nội ở nhà cho bé bú trong ngày.
 
"Lúc đầu bà nội bé kiên quyết không cho bé dùng sữa bảo quản lạnh vì sợ bé tiêu chảy, đòi cho bé ăn sữa công thức. Mình đã tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ nên cố thuyết phục bà, trộm vía sau một thời gian dùng bé tiêu hóa tốt, ít ốm vặt nên bà mới thôi cằn nhằn", chị Trà tâm sự.
 
Công việc chính của chị Hòa, quận Bình Tân, TP HCM là ở nhà nội trợ và chăm con nhưng chị vẫn phải thường xuyên vắt sữa cho con bú. Mỗi ngày chị vắt 4-5 lần, mỗi lần khoảng 300ml.
 
"Bé chê ti mẹ ngắn nên không chịu bú. Lúc đầu mình cũng băn khoăn không biết làm sao, định cho bé bú sữa ngoài nhưng bầu vú nhiều sữa cứ cương tức. Sau nhờ cách vắt rồi cho vào túi đựng chuyên dụng để bảo quản lạnh nên bé vẫn được bú sữa mẹ đến tận 2 tuổi", chị Hòa cho biết.
Vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách 1
Nhiều bà mẹ chọn cách vắt sữa bảo quản lạnh để duy trì cho con bú sữa mẹ khi đi làm xa. Ảnh: parents.
Theo các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, mẹ nên vắt sữa khi không có điều kiện gần con, cho con bú vì nếu sữa không được vắt ra thì sẽ bị cạn dần. Vắt sữa giúp mẹ giúp mẹ dễ chịu, đỡ bị hiện tượng cương bầu vú, giúp bé nhận được lượng sữa mẹ cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng đầu đời.
 
Mẹ cần nắm vững những cách thức vắt sữa, bảo quản và sử dụng để đảm bảo nguồn sữa hợp vệ sinh, đạt chất lượng tốt cho sự phát triển của trẻ.
 
Chuẩn bị trước khi vắt sữa
 
Chuẩn bị dụng cụ đựng sữa như cốc, ly, lọ hoặc bình đựng có miệng rộng.
 
Rửa dụng cụ đựng sữa bằng xà phòng và nước sạch. Rót nước sôi vào dụng cụ đựng sữa, để trong vài phút rồi đổ đi. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng.
 
Đứng hoặc ngồi một cách thoải mái như khi cho con bú, đặt bình sữa sát kề vú.
 
Các bước vắt sữa bằng tay
 
- Massage nhẹ nhàng đầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên vú để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa về dễ dàng hơn.
 
- Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác.
 
- Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra.
 
- Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía.
 
Lưu ý, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da. Tránh ấn vào núm vú. Ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.
 
Vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên. Có thể sử dụng bơm hút sữa để vắt dễ dàng hơn.
 
Cách bảo quản sữa mẹ được vắt ra
 
- Sử dụng bình chứa bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy kín hoặc túi bảo quản sữa chuyên dụng.
 
- Không nên đổ đầy sữa vào bình, để lại một khoảng trống nhỏ vì sữa đông lạnh chiếm nhiều thể tích hơn sữa.
 
- Mỗi bình chứa sữa chỉ nên để 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh.
 
Thời gian bảo quản sữa mẹ
 
Nhiệt độ phòng 19-20 độ C, có thể bảo quản được 4 giờ. Với nhiệt độ dưới 4 độ C của ngăn mát tủ lạnh, sữa có thể bảo quản được 3 ngày. Ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được 6 tháng.
 
Cách sử dụng sữa mẹ đã bảo quản
 
- Khi sử dụng, làm ấm sữa bằng cách đặt bình chứa sữa vào một bát nước nóng hoặc đổ nước nóng quanh bình chứa sữa.
 
- Không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng.
 
- Nên cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.
 
Theo VnExpress

Ý kiến của bạn