Hà Nội

ĐBQH 'kê đơn, bốc thuốc' để 'trị bệnh' cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm

31-05-2023 14:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 31/5, nhiều ĐBQH đã nêu việc một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám làm và cùng đưa ra các phương pháp để "trị bệnh".

Xác định được nguyên nhân mới "trị được bệnh"

ĐBQH Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đặt câu hỏi, tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới có? Theo đại biểu, cần xác định được nguyên nhân của "căn bệnh này" thì mới "điều trị" một cách hiệu quả.

Theo đại biểu, có 2 nhóm có tâm lý sợ trách nhiệm: Một là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai; Hai là, những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

ĐBQH 'bốc thuốc, kê đơn' tại nghị trường để 'trị bệnh' những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Từ đó, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi nhận việc nhìn vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Theo đại biểu, nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

ĐBQH 'bốc thuốc, kê đơn' tại nghị trường để 'trị bệnh' những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm - Ảnh 2.

Phiên thảo luận về tình hình KT-XH của Quốc hội sáng 31/5.

Còn ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt được kỳ vọng; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; tội phạm công nghệ cao; căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ...

Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Trong khi đó, ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần chấn chỉnh tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm. Theo đại biểu Khánh Thu, việc chậm giải quyết công việc, thủ tục hành chính làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

ĐBQH 'bốc thuốc, kê đơn' tại nghị trường để 'trị bệnh' những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm - Ảnh 3.

ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Nữ đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn, có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng.

Liên quan đến vấn đề một bộ phận cán bộ có tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã có phát biểu tranh luận. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, vấn đề đặt ra là làm sao "bắt cho đúng bệnh".

Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ nhiều năm nay đã đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Nếu càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn nhưng thực tế vẫn còn rất thấp.

ĐBQH 'bốc thuốc, kê đơn' tại nghị trường để 'trị bệnh' những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm - Ảnh 4.

ĐBQH Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Cùng với đó, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, nhiều nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Như vậy, trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm.

ĐBQH 'bốc thuốc, kê đơn' tại nghị trường để 'trị bệnh' những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm - Ảnh 5.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

Tiếp tục tranh luận về vấn đề trên, ĐBQH Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu tranh luận và cho rằng, nhóm cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy công việc là đúng. Dẫn chứng một số lý do, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng cần phải làm sao để cán bộ công chức viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức trí tuệ để năng động sáng tạo, thực hiện tốt công việc của mình một cách hiệu quả nhất trong khuôn khổ của pháp luật.

Đại biểu Trần Hữu Hậu mong Quốc hội xem xét có những cách làm, những trình tự thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Người lao động đột ngột bị mất việc, giảm giờ làm, ĐBQH lo ngại tệ nạn xã hội tăngNgười lao động đột ngột bị mất việc, giảm giờ làm, ĐBQH lo ngại tệ nạn xã hội tăng

SKĐS - Trước tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm sút khiến nhiều ĐBQH băn khoăn, lo ngại có thể là nguyên nhân gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học, tệ nạn xã hội tăng…


Nhóm PVQH
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn