Chuyên gia nói gì về đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp phải xin từ chức trong 10 ngày?

11-05-2023 20:00 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia, đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức trong 10 ngày là quá gấp gáp, nên cho cán bộ có thời gian để ổn định tâm lý, tư tưởng trước khi tự nguyện viết đơn từ chức.

Cảnh báo giả danh cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sảnCảnh báo giả danh cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

SKĐS - Gần đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An nhận được nhiều phản ánh về hành vi mạo danh cán bộ chi cục để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng đến uy tín của Chi cục, tạo dư luận không tốt và thiệt hại kinh tế đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.

Sáng 11/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời xem xét việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo tờ trình, Ban Công tác đại biểu đề xuất cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85. Đáng chú ý, Ban đề nghị quy định cụ thể về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Cán bộ tín nhiệm thấp phải xin từ chức trong 10 ngày: Vấn đề con người, không nên áp dụng máy móc - Ảnh 2.

Dự thảo về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xung quanh vấn đề này:

- Thưa ông, quan điểm của ông thế nào về xuất cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức trong 10 ngày?

Ông Nguyễn Túc: Tôi cho rằng cần nghiên cứu thận trọng. Vấn đề con người, phải xử lý rất khéo léo, không cứng nhắc, máy móc thì mới hiệu quả. Quy định cán bộ phải từ chức trong 10 ngày là hơi gấp gáp. Theo tôi nên để đến khoảng 1 tháng để cán bộ có thời gian thu xếp công việc, ổn định tư tưởng. Đây cũng là thời gian để các cấp ủy Đảng làm công tác tư tưởng với cán bộ. Phải làm sao để cán bộ hiểu rằng tín nhiệm thấp là do năng lực của mình chứ không phải do bị bè phái, thù ghét gì. Dù cán bộ có tín nhiệm thấp thì cũng là người mà tổ chức tin tưởng giao phó nhiệm vụ, do vậy phải làm công tác tư tưởng rất khéo để không tạo ra những hệ lụy xấu trong việc từ chức. Thậm chí gia đình của cán bộ cũng cần phải được làm công tác tư tưởng với việc này. Để làm điều đó thì cần có thời gian, để họ bình tâm, thấu hiểu, không gây ra cú sốc.

-Vấn đề là khi cán bộ đã có tín nhiệm thấp chứng tỏ năng lực chưa phù hợp với vị trí, việc từ chức hẳn là nên làm, thưa ông?

Ông Nguyễn Túc: Trước đây, có những người tín nhiệm thấp, Trung ương "gợi ý" nhưng không nghỉ. Quy định này sẽ giải quyết những trường hợp "cố đấm ăn xôi" như vậy. Khi tín nhiệm thấp, anh nói làm sao người ta nghe, do đó cần phải đưa ra khỏi quy hoạch, xem xét cho thôi giữ chức vụ.

Thực tế có tình trạng cả nể trong bỏ phiếu tín nhiệm, theo ông việc quy định như trên liệu có khắc phục được điều này?

Ông Nguyễn Túc: Trong bối cảnh hiện nay, có những lãnh đạo chủ chốt tín nhiệm không cao nhưng trong tập thể lại cả nể nhau, nên số tín nhiệm lại cao. Do đó, cần phải có cơ quan kiểm tra, giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp dưới, tránh tình trạng cả nể, dĩ hòa vi quý.

Cán bộ tín nhiệm thấp phải xin từ chức trong 10 ngày: Vấn đề con người, không nên áp dụng máy móc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự tự giác thì phải có sự giám sát chặt chẽ của cấp trên để phòng trường hợp dĩ hòa vi quý, nể nhau, anh giúp tôi thì tôi giúp anh. Tôi nghĩ rằng, Trung ương có quy định rồi nhưng việc giám sát hiện nay phải đến nơi đến chốn.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm?

Ông Nguyễn Túc: Bên cạnh việc giáo dục rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên thì Đảng, Nhà nước cũng quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách để cán bộ dồn tâm sức vào để lo sự nghiệp của đất nước. Với các quy định hiện hành, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Nghĩa là không còn là "kênh thông tin tham khảo" nữa mà đã là "kênh quan trọng" trong đánh giá và sử dụng cán bộ. Đối với những người có tín nhiệm thấp, nếu trên 50% nhưng dưới 2/3 thì cho từ chức, đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm; còn trên 2/3 thì miễn nhiệm luôn không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Như thế để cán bộ thấy rằng, tín nhiệm thấp có nghĩa là uy tín của mình không còn, năng lực hạn chế thì nên xin chuyển công tác khác hoặc chủ động xin nghỉ chức vụ chứ không nên chờ hết nhiệm kỳ.

Thực tế, lấy phiếu tín nhiệm cũng là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Làm sao để đảm bảo cho đội ngũ cán bộ làm việc thực sự chứ không phải ngồi để "chiếm chỗ" trong khi công việc không trôi, không chạy. Qua đó giúp cán bộ năng động sáng tạo, làm việc liên tục, chứ không phải giữ ghế.

Tuy nhiên trong lấy phiếu tín nhiệm làm sao để bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Bởi thực tế người dám đổi mới chưa chắc đã nhận được sự đồng tình và có khi phiếu lại thấp.

-Còn tình trạng một số cán bộ "dĩ hòa vi quý" để có tín nhiệm cao, nhưng năng lực lại không thực sự tốt, có giải pháp gì khắc phục, thưa ông?

Ông Nguyễn Túc: Đúng là vẫn có tình trạng cán bộ đảng viên ở một số nơi "dĩ hòa vi quý", "nịnh bợ". Còn những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá có khi lại yếu thế. Chuyện này đã từng xảy ra. Cho nên trong lấy phiếu tín nhiệm điều quan trọng nhất là phải đánh giá cán bộ khách quan, vô tư, công tâm. Tập thể cấp ủy và mỗi đảng viên phải mạnh và dám đấu tranh, tự phê bình và phê bình.

Trong báo cáo Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá việc đánh giá cán bộ hiện nay tại một số nơi còn chưa thực sự khách quan, thực chất. Có chi bộ, 90-95% đảng viên được đánh giá là tốt nhưng hoạt động ở đó không đúng như đánh giá. Vì thế việc lấy phiếu tín nhiệm là biện pháp để cán bộ phải biết rèn luyện mình.

Tuy nhiên lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một kênh. Kênh quan trọng nhất theo tôi là lấy phiếu tín nhiệm của người dân đối với cán bộ ở địa bàn dân cư. Bởi khu dân cư là nơi không bị áp lực, có nhiều cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên sinh sống. Đây là những người nhận xét rất khách quan, không bị chi phối. Bên cạnh việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, tại nơi công tác, thì lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú của người dân đối với cán bộ là yếu tố để đánh giá chính xác hơn đối với cán bộ. Bởi đạo đức, lối sống phong cách làm việc và sinh hoạt hàng ngày nhiều khi thể hiện nhiều hơn ở khu dân cư. Người dân tại đây sẽ đánh giá khách quan và không phải "nịnh" hay "lệ thuộc" gì cả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phó Thủ tướng: Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)Phó Thủ tướng: Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

SKĐS - Tiếp tục Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nhận Y Án Sơ Thẩm 8 Năm Tù, Người Dân Phẫn Nộ, Trút Giận Lên Ảnh Nguyễn Kim Trung Thái | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn