Dấu hiệu nhận biết chó bị nhiễm virus dại và cách phòng ngừa

06-05-2024 15:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Biểu hiện bệnh dại ở chó cần lưu ý chính là con ngươi của chó thường sẽ mở ra rất to, đáng sợ kèm theo chảy nước dãi và sùi bọt mép...

Bé 5 tuổi bị chó cắn phải khâu gần 50 mũi ở mặtBé 5 tuổi bị chó cắn phải khâu gần 50 mũi ở mặt

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa tiếp nhận, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho cháu bé N.T.Q.N. (5 tuổi, trú huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bị chó cắn với nhiều vết thương sâu phức tạp.

Nhận biết chó bị dại

Ngày 5/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị này đang theo dõi, điều trị cho một bé gái 7 tuổi bị thương nặng do chó cắn. Trước đó, chiều 1/5, bé gái 7 tuổi ở P.An Hòa (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) khi sang nhà hàng xóm chơi thì bất ngờ bị chó dữ cắn. Sau một hồi vùng vẫy, cháu bé thoát ra nhưng bị thương nặng ở cánh tay, mất nhiều máu, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Trước đó, từ ngày 1/5 đến 2/5, một con chó chạy trên đường đã tấn công nhiều con chó khác và bốn người dân tại xã Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh). Nhận được tin báo, cơ quan chức năng cùng người dân đã vây bắt con chó này và lấy mẫu đi xét nghiệm. Kết quả con chó này đã dương tính với virus dại. Ngày 5/5, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, con chó cắn bốn người dân bị thương, dương tính với virus dại và đã chết. Hiện tại, bốn người bị chó dại cắn đã được tiêm huyết thanh kháng dại và đang tiếp tục được theo dõi. 

Dấu hiệu nhận biết chó bị nhiễm virus dại và cách phòng ngừa- Ảnh 2.

Hình ảnh bé gái 7 tuổi bị chó dại cắn.

Để nhận biết trước chó bị nhiễm virus dại cần quan sát các giai đoạn phát triển của bệnh. Theo chuyên gia động vật học Nguyễn Quang Trường, bệnh dại ở chó thường diễn biến qua hai thời kỳ: thể dại lặng và thể dại điên cuồng. Trong những giai đoạn đầu tiên, triệu chứng chó dại chưa quá rõ ràng, một số bất thường có thể diễn ra trong hệ thần kinh trung ương của chú chó dẫn đến những sự thay đổi nhất định trong tâm trạng của chúng. Bạn có thể thấy chúng vui vẻ, hoặc trầm tư hơn thường ngày. Biểu hiện của chó dại ở thể lặng đôi khi là những dáng vẻ bồn chồn khó hiểu, trầm cảm thậm chí là chui vào góc tối một mình.

Theo chuyên gia, quan trọng nhất, biểu hiện bệnh dại ở chó cần lưu ý chính là con ngươi của chó thường sẽ mở ra rất to, đáng sợ kèm theo chảy nước dãi và sùi bọt mép. Đấy là khi bệnh dại đang bắt đầu bước vào giai đoạn cuối cùng trước khi chó trở nên điên cuồng, mất kiểm soát bản thân sau 2-3 ngày tới. Chó dại mất kiểm soát sẽ rất nguy hiểm cho mọi người xung quanh.

Quan sát hành vi của chó là cách giúp phát hiện bệnh dại. Ở giai đoạn bệnh tiếp theo là bệnh dại ở thể kích thích, lúc này virus dại đã xâm nhập và thao túng hệ thần kinh trung ương của chó khiến cho tính cách của chúng trở nên nổi loạn và khó kiểm soát hơn. Dấu hiệu chó bị dại dần trở nên rõ ràng hơn qua những phản xạ mạnh đối với bất cứ thứ gì kích thích đến cơ quan thần kinh của chúng.

Chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, không tiếp xúc với con vật, không di chuyển hoặc bán để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người và lây lan dịch; Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y thôn bản và xã/phường, để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó; Phải chôn sâu xác những con vật bị dại cùng với các chất sát khuẩn như xút, cresly, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột...

Con đường lây truyền của virus dại và cách phòng ngừa

Theo các chuyên gia khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bệnh dại được gây ra bởi một loại virus thuộc chi Lyssavirus họ Rhabdoviridae được tìm thấy trên toàn thế giới bao gồm các châu lục lớn như Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi, khu vực Trung Đông và một phần ở Châu Âu.

Chúng có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương của tất cả các loài động vật có vú đặc biệt là bệnh dại ở chó, mèo và kể cả con người. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh dại ở chó theo báo cáo là chiếm tỉ lệ cao nhất với 97%, 3% đối với mèo và các loài động vật khác. Chính vì vậy, đó luôn là nỗi ác mộng của những người nuôi thú cưng.

Bệnh dại ở chó được lây nhiễm khi chó cưng của bạn bị cắn, hay bị thương bởi các loài động vật bị bệnh dại khác. Người và chó cũng có thể bị virus này xâm nhập qua các vết thương cơ giới, hở, chưa lạnh bị tiếp xúc với nước bọt có chứa Lyssavirus của chó dại.

Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua các con đường lây truyền, chúng sẽ cố gắng đi về hệ thần kinh trung ương như não và tủy sống để gây tê liệt, viêm não cấp tính khiến cho vật chủ của chúng không thể kiểm soát được thần kinh của mình. Nước bọt của các loài động vật bị bệnh dại còn có thể truyền bệnh dại nếu tiếp xúc với giác mạc, mắt của chó chưa nhiễm bệnh.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, ngoài tình trạng chó dại cắn thì hiện nay có rất nhiều gia đình và trang trại nuôi chó để làm cảnh tuy nhiên chưa có cơ quan chính thức quản lý quy trình nuôi chó mà mới chỉ có cơ quan kiểm dịch nên việc nuôi các loại chó vẫn còn tràn lan. Do vậy, việc nuôi chó cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đặc biệt là đối với những loài chó dữ.

GS Huỳnh chia sẻ, nhiều người nuôi chó cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó, dù là chó ngoại hay chó nội, chó dữ hay chó lành. Ở nhiều nước có quy định rõ ràng về việc nuôi chó dữ: Nguồn gốc, gia chủ, sổ y tế, hộ chiếu xuất ngoại cùng với trách nhiệm của người chủ trực tiếp liên quan đến con chó, thì những con chó nhập lậu ở Việt Nam chưa có đơn vị nào quản lý. Hiện nhà nước mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn chó dữ hay không dữ thì Nhà nước chưa có quy định cấm nuôi.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh dại ở chó, việc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nơi ở cũng là một việc rất cần thiết. Nơi ở gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp giúp bất hoạt virus, ngăn ngừa sự phát triển và gây bệnh của rất nhiều căn bệnh tiềm tàng. Thường xuyên khử trùng vật dụng, đồ chơi cũng như khay ăn của chúng bằng các dung dịch diệt khuẩn để đảm bảo sức khỏe của vật nuôi. 

Các bác sĩ khuyến cáo, người bị động vật cắn cần xử trí ban đầu bằng cách dùng nước sạch và xà phòng rửa vết thương trong vòng 15 - 20 phút. Sau đó, lau khô vết thương, sát khuẩn bằng cồn 70 độ, dùng băng gạc băng vết thương rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Sau 2 tháng bị chó cắn, người đàn ông tử vong vì bệnh dạiSau 2 tháng bị chó cắn, người đàn ông tử vong vì bệnh dại

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thông tin, một người đàn ông trên địa bàn tỉnh này vừa tử vong do bệnh dại, sau 2 tháng bị chó cắn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 6/5 | SKĐS


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn