Người đàn ông tử vong vì bệnh dại là V.V.T. (sinh 1971, thường trú xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk).
Vào ngày 14/2, bệnh nhân T. có các dấu hiệu của bệnh dại như sốt, đau đầu kéo dài, chóng mặt, mệt mỏi, lo lắng...
Đến sáng ngày 18/2, các triệu chứng này không giảm mà bệnh nhân T. còn bị sốt cao, đồng thời sợ nước, sợ gió nên được người nhà nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để thăm khám. Kết quả, bệnh nhân T. được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn, sau đó bệnh ngày càng tiến triển nặng, đến 19/2 thì bệnh nhân tử vong.
Theo người nhà bệnh nhân T., khoảng 2 tháng trước, do bất cẩn nên bệnh nhân bị chó cắn vào tay nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, bước qua năm 2024, chỉ mới chưa đầy 2 tháng đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong, trong khi các tháng tới mới bước mùa nắng nóng, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại khiến bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình.
"Bệnh dại nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được. Khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiên vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Đáng chú ý, các quan niệm như không tiêm vắc xin dại vì lo ngại vắc xin sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sức khỏe và tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận khi bị chó, mèo hay vật nuôi cắn là điều hết sức sai lầm bởi hầu hết các trường hợp tử vong vì dại đều do không đi tiêm phòng vắc xin", bác sĩ Phúc chia sẻ