Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ở thời điểm hiện tại số bệnh nhi mắc cúm A và điều trị tăng gấp 3 lần so với tháng 2–3/2023. Mỗi ngày giao động từ 60-80 ca bệnh nội trú, chiếm khoảng ½ số trẻ điều trị tại bệnh viện.
Các trường hợp đều khởi phát từ các triệu chứng thông thường như sốt, ho, khó thở..., một số trẻ không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi test nhanh cho kết quả mắc cúm A.
Không chỉ đối với trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng măc cúm mùa ở thời điểm này. Tuy nhiên, không kỹ càng như khi trẻ mắc bệnh, khi có triệu chứng cúm nhiều người thường tự ý mua thuốc về để điều trị.
Như trường hợp của chị N.H (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vài ngày gần đây có biểu hiện của bệnh cúm như sốt, đau đầu, nhức mỏi người, chẩy nước mũi… Nhưng thay vì đi khám, chị tự ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc kháng sinh về uống. Sau gần 3 ngày triệu chứng không giảm, chị. mới đi khám tại một phòng khám thì được bác sĩ kết luận mắc cúm mùa, không cần phải dùng...kháng sinh!.
Anh P.T.B (Hà Đông, Hà Nội) mấy ngày gần đây cũng phải xin nghỉ làm vì "bị ốm". Anh B. cho biết bản thân có triệu chứng cúm đã 2 ngày như ớn lạnh, đau mỏi cơ, chảy nước mũi, đau đầu… nhưng cũng không đi khám. Hiện tại anh vẫn ở nhà tự mua kháng sinh và thuốc điều trị cảm cúm ở hiệu thuốc về dùng.
Tường tự, anh V.N.S (Long Biên, Hà Nội) gần đây cũng đã tự mua thuốc kháng sinh và thuốc trị cảm cúm ở hiệu thuốc về uống sau khi có biểu hiện sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu.
Anh S. cho hay: "Khi có triệu chứng giống bệnh cúm tôi đã test nhanh COVID-19 thì thấy không mắc bệnh nên nhờ con trai cả đi mua thuốc kháng sinh và thuốc trị cảm cúm về uống. Nhưng uống thuốc 2 hôm không đỡ, vẫn sốt tới 39 độ nên tôi phải đi khám. Bác sĩ nói tôi mắc cúm A, vì sốt cao nên phải truyền nước, mệt rã rời cả tuần trời mới đỡ".
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh cúm mùa có xu hướng lây lan vào mùa đông và mùa xuân. Nguyên nhân là do khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan.
Theo bác sĩ, cần đề phòng các biểu hiện của bệnh cúm ác tính. Bệnh cúm ác tính có thể gây nên tổn thương phổi rất nhanh chóng, thường trong vòng khoảng 3-5 ngày, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Nguy hiểm hơn, biểu hiện cúm ác tính khá giống với cúm thông thường nhưng có thể gây tổn thương phủ tạng. Do đó, bất kỳ ai cũng không nên chủ quan với cúm, nhất là khi nhiều người có thói quen tự mua thuốc về điều trị tại nhà mà không đến khám tại các cơ sở y tế.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thống kê hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh bệnh cúm mùa, ngoài việc giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho, tránh đến nơi đông người,… thì việc tiêm phòng cúm hàng năm là điều cần thiết. Nhất là ở những người có nguy cơ biến chứng như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV, người mắc các bệnh lý nền mạn tính.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Chớ coi thường bệnh cúm mùa, tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe sau Tết
Chớ coi thường bệnh cúm mùa, tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe sau Tết.