Bảo vật độc nhất hơn 500 tuổi
Ấn "Tuần phủ Đô tướng quân" bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24/12/2018.
Theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, ấn (triện) này có niên đại vào năm Hồng Thuận thứ 6 - đời vua Lê Tương Dực (năm 1515). Ấn quý này được đúc cách đây hơn 500 năm.
Ấn được làm bằng chất liệu đồng, tổng cân nặng 3,6kg. Đế ấn dày 2,5cm, khuôn đế ấn hình vuông kích thước 11x11cm, bên trong có 8 chữ triện được đúc nổi "Phụng mệnh Tuần phủ Đô tướng quân ấn". Ấn có núm cầm hình con nghê đang quỳ, thân nghê cao 6,5cm, dài 9,5cm.
Mặt trên thân ấn có hai dòng chữ Hán khắc chìm. Dòng thứ nhất (nằm bên trái) là "Hồng Thuận lục niên thập nhất nguyệt thập lục nhật tạo". Dòng chữ này cho ta biết ấn đúc ngày 16 tháng 11 năm Hồng Thuận thứ 6 (năm 1515) đời vua Lê Tương Dực thời Lê sơ. Dòng thứ hai (nằm bên phải) là " Phụng mệnh Tuần phủ Đô tướng quân ấn".
Theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, đây là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy của quan "Tuần phủ Đô tướng quân" dưới thời Lê sơ trên cả nước. Là hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm và tiêu biểu cho các loại ấn dưới triều Lê sơ.
Việc giải nghĩa chức vụ của viên quan có chiếc ấn này khá là khó khăn. Hiện vẫn chưa có từ điển, sách ghi về quan chức chế Việt Nam thật đầy đủ qua các triều đại nhất là từ thời Lê sơ trở về trước ngoài cuốn Từ điển chức quan Việt Nam của Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Ninh.
Chức Tuần phủ ở ấn này đi liền với chữ "Phụng mệnh" nên có thể hiểu đây là một chức không cố định và rất ít được sử dụng. Ấn được ban cho các quan tướng khâm sai, khâm phái, tạm thời đi thi hành công vụ, đến những nơi xung yếu tuần tra, vỗ về dân chúng tại các địa phương.
Liên quan đến việc ấn Bảo vật Quốc gia thời gian dài bảo quản trong kho, chưa được trưng bày, lãnh đạo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình cho biết, do chưa có tủ đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ làm tủ chuyên dụng để trưng bày hiện vật, bảo quản bảo ấn an toàn, tránh các nguy cơ hư hại, mất cắp.
Cơ duyên tìm thấy ấn quý
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tìm gặp cụ ông Võ Phi Tần, trú thôn Hoành Phổ, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình – người giữ ấn trước khi bàn giao cho cơ quan chức năng để biết rõ hơn câu chuyện về ấn quý.
Tuổi ngoài 80, cụ Tần vẫn minh mẫn, nhớ rõ câu chuyện về chiếc ấn. Cụ cho biết, ấn này không phải là vật gia truyền hay được cụ mua. Cách đây hơn 30 năm, con trai cụ trong lần đi thăm ruộng, phát hiện khối kim loại và đưa về nhà.
"Con trai tôi thăm đồng thì thấy khối kim loại hình thù đẹp thì đem về nhà. Khi ấy vừa có đợt đào kênh mương thủy lợi, chắc người ta đào lên nhưng không để ý rồi ấn nằm ở đó. Thấy đẹp nên cũng tính để làm vật trưng bày trong nhà", cụ Tần cho biết.
Sau khi biết nhà cụ Tần có được ấn quý, nhiều người tìm đến để xem và ngỏ ý mua lại. Nhưng suy đi nghĩ lại, gia đình cụ vẫn quyết không bán mà giữ lại để trưng bày như món trang trí trong nhà. Khi cơ quan chức năng biết gia đình cụ Tần có giữ ấn nghi là cổ vật đã tìm đến làm việc. Cụ thú nhận lúc đó có sự giấu giếm do tiếc nuối tạo vật đẹp, nhưng khi được động viên, giải thích, gia đình cụ vẫn hiến tặng ấn cho nhà nước.
"Nhiều người đến xem và hỏi mua với giá cao ở thời điểm đó, nhưng suy nghĩ nhặt được ấn là cơ duyên, bán đi có vẻ không hay nên quyết giữ lại. Khi lực lượng chức năng đến làm việc, tôi cũng muốn giữ ấn lại. Nói thật lúc đó cứ nghĩ mình nhặt được là của mình. Nhưng khi được giải thích, động viên gia đình tôi đưa ấn cổ vật này để nhà nước quản lý", cụ Tần chia sẻ.
Tuổi cao, cuộc sống mưu sinh nơi miền quê nên gia đình cụ cũng không cập nhật được thông tin về ấn. Khi biết việc ấn được công nhận là Bảo vật Quốc gia, sẽ được nhà nước quản lý và trưng bày cho toàn dân chiêm ngưỡng khiến cụ ông, cụ bà và cả gia đình vui mừng, tự hào.
"Vậy là bây giờ giới thiệu về cái ấn đó là người ta biết gia đình tôi tặng cho toàn dân. Tôi vui mừng khi cổ vật của tiền nhân được nhà nước bảo quản, mọi người có thể chiêm ngưỡng. Nếu thu xếp được tôi sẽ tới bảo tàng tỉnh để xem lại cái ấn đó", cụ tần chia sẻ.
Video: Ngắm cổ vật quý hiếm tại bảo tàng trăm năm tuổi ở Huế.