Trong ngày 25/7, Đội CSGT đường bộ số 6 (Đội 6, Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội) bắt đầu thực hiện việc tuyên truyền bằng hình thức dán áp phích "đã uống rượu bia không lái xe" tại các hàng quán (đặc biệt là các quán nhậu) trên địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy.
Bên cạnh việc tuyên truyền, dán áp phích, Đội 6 cũng cho các chủ hàng quán ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về việc cấm uống rượu bia khi lái xe và cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Hình ảnh lực lượng CSGT đến tận quán nhậu để dán áp phích "đã uống rượu bia không lái xe"
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Đội xác định ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm thì công tác tuyên truyền đến từng người dân sẽ giúp giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.
"Song song với xử phạt nghiêm trên các tuyến đường, lực lượng CSGT tăng cường tuyên truyền ngay tại hàng, quán. Chúng tôi dự kiến sẽ dán hàng trăm áp phích tuyên truyền tại 100 quán bán bia, rượu lớn trên địa bàn 2 quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm", Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết thêm.
Mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là 40 triệu đồng. Đồng thời hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Trong khi đó, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) thì mức xử phạt cao nhất nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Với mức độ vi phạm tương tự, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Xem thêm video được quan tâm:
Làm Thế Nào Để Hết Nồng Độ Cồn Nhanh Nhất? | SKĐS