Sáng ngày 24/11/2021, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp quốc (UNODC) tổ chức Lễ Công bố "Sổ tay Thẩm phán Hướng dẫn xét xử vụ án hình sự về các tội liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái".
Cuốn sổ tay giới thiệu đến các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án và cán bộ ngành tòa án nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng trong giải quyết các vụ án bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; chia sẻ những thông lệ tốt của các tòa án trên thế giới nhằm đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái với tư cách là bị hại nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ trong suốt quá trình tư pháp, tố tụng hình sự.
Sổ tay gồm 3 phần:
- Tìm hiểu về bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái;
- Cơ sở pháp lý về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, chuẩn mực quốc tế trong các văn kiện mà Việt Nam đã được phê chuẩn hoặc gia nhập;
- Thẩm quyền tố tụng và trách nhiệm của Thẩm phán trong việc bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, những thách thức mà thẩm phán gặp phải khi giải quyết các vụ án liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
Đại diện nhóm biên soạn, Tiến sĩ Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết: "Sổ tay này đã được điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung từ sổ tay tư pháp về xử lý tư pháp hình sự của Cơ quan phòng chống tội phạm của Liên hợp quốc về bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đúc rút từ kinh nghiệm mô hình tốt của các cơ quan tư pháp trên thế giới. Chúng tôi hy vọng cuốn sổ tay này không chỉ hữu ích với riêng hệ thống tòa án mà còn hữu ích với các cán bộ có liên quan đến công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái".
Cuốn sổ tay được biên soạn trong khuôn khổ chương trình hợp tác của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiểu Chương trình 4 về tư pháp hình sự và chương trình gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam do cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - UN Women, Quỹ Dân số Thế giới - UNFPA, Tổ chức Y tế thế giới - WHO nhằm đóng góp vào mục tiêu và Cơ quan phòng chống tội phạm của Liên hợp quốc phối hợp cùng thực hiện.
Các hoạt động trên nhằm đóng góp vào chương trình nghị sự 2030 "Vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc", mục tiêu "Loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực công và tư, bao gồm cả buôn bán tình dục và các loại hình khác".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19