Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào chiều 31/5, trả lời câu hỏi của báo chí về việc ldự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có phải là "bước lùi" khi đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu bia, và có hay không vấn đề "lợi ích nhóm", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, với chỉ đạo của Thủ tướng thì việc xây dựng thể chế luôn luôn và vấn đề trọng tâm của Chính phủ.
Theo ông Dũng, khi luật trình Quốc hội, Thủ tướng đều có chỉ đạo rất kỹ lưỡng, yêu cầu đánh giá tác động kỹ càng, tính khả thi rất quan trọng. Quy định trong dự thảo Luật này đưa ra theo hướng chống lợi dụng rượu bia trong bối cảnh nhiều hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng rượu bia gây ra, điển hình là các vụ tai nạn giao thông, gây bức xúc cho người dân.
Lý giải việc dự luật đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu, bia như cấm bán rượu, bia trên Internet, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận khách quan.
"Có ý kiến đặt vấn đề dự thảo Luật lần này là "bước lùi" so với dự thảo trước, song chúng ta phải nhìn thực tế, việc cấm quảng cáo, bán hàng trên internet có khả thi hay không trong xu hướng thương mại điện tử của cả thế giới hiện nay", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, đưa ra quy định phải tính cho khả thi để thực hiện trong cuộc sống, với việc có thể tác động đến cuộc sống thì phải lường trước được vấn đề. Hiện nay các đại biểu Quốc hội sẽ phải thảo luận để đi đến vấn đề xác thực hơn nhiều.
Đặc biệt, ông Dũng cho rằng đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, vì phải thông tin hai chiều, có thông tin, có bình luận và xem xét.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP.
Trước đó, sáng 23/5, trình bày trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và một số nội dung chủ yếu của dự án Luật.
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục khảo sát, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, đối thoại với các đối tượng chịu sự tác động.
Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sau còn 36 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân. Cùng với đó, để thực hiện Nghị quyết của Trung ương về giảm tiêu thụ rượu bia. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đã có 155 quốc gia xây dựng luật này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quá trình soạn thảo luật đã trải qua 2 kỳ họp Quốc hội và qua thảo luận nghiên cứu, hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung chính của dự thảo luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ, quá trình soạn thảo luật bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp rượu bia công nghiệp và thủ công cũng như thu nhập của người lao động, sản xuất để có lộ trình thích ứng, có giải pháp xử lý, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.