Hà Nội

64 triệu người kết nối mạng trực tuyến, cần quản lý kinh doanh rượu bia trên internet

29-05-2019 09:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ước tính, Việt Nam đã có 64 triệu người kết nối mạng trực tuyến (năm 2018) và chiếm khoảng 67% dân số, đứng thứ 12 thế giới. Các chuyên gia cho rằng, đây là môi trường kinh doanh trong tương lai nhất là trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay và cần thiết phải có quy định kiểm soát kinh doanh các mặt hàng như rượu, bia.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh đến việc quản lý kinh doanh rượu, bia trên internet là cần thiết nhằm tránh việc trẻ em dễ dàng tiếp cận và mua rượu, bia. Đồng thời, hạn chế việc sử dụng việc bán rượu, bia trên internet để quảng cáo. Trên Nghị trường Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc cần cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên internet.

Thực tế hiện nay, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 đã quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên Internet (Điều 7 Chương I). Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một biện pháp làm hạn chế tính sẵn có của rượu, bia khi cần được xem xét kế thừa.

Tác hại của rượu bia với sức khỏe và xã hội đã quá rõ ràng, cần có công cụ kiểm soát mạnh. Ảnh minh họa.

Hiện trên thế giới đã có 89 quốc gia có quy định kiểm soát, trong đó 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên internet và mạng xã hội áp dụng với cả bia, rượu vang và rượu mạnh, điển hình như Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào… để giảm tiếp cận của giới trẻ...

Trong khi đó, tại Việt Nam, sau nhiều lần lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì điều khoản về kiểm soát quảng cáo rượu bia trên internet quá yếu, chỉ mang tính hình thức “quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, các thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 1 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm”.

Cần tạo ra rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên bày tỏ bất ngờ vì dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sau nhiều lần lấy ý kiến đã không còn cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên internet như dự thảo ban đầu mà Bộ Y tế đưa ra. Chúng ta không thể bỏ qua đánh giá tác hại của rượu, bia đối với trẻ em thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tôi đề nghị bổ sung cấm bán rượu, bia trên internet.

Các nước phát triển với mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn còn lúng túng trong việc kiểm soát độ tuổi khi mua hàng, kiểm soát khi nhận hàng trong khi rượu, bia không phải hàng hóa bình thường, là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện và hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, ta cần tạo ra rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng, không nên tạo cơ hội, tăng tính sẵn có của rượu, bia cho người tiêu dùng và trẻ em vị thành niên, phụ nữ - bà Hiền nói.

Vị ĐBQH này cho rằng, không cần dẫn chứng những vụ việc nhức nhối của những vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục do rượu bia ai cũng có nhận thức được tác hại từ rượu, bia. Nếu dùng rượu bia nếu không kiểm soát thì bất kỳ ai cũng trở thành nạn nhân, thậm chí trở thành tội phạm.

Bà Hiền bày tỏ băn khoăn khi các giải pháp "mạnh" của dựa thảo lần trước đã bị bỏ hoặc giảm nhẹ liệu có tạo rào cản đủ chắc để giải quyết việc phòng chống tác hại của rượu bia đối với trẻ em, vị thành niên.

Môi trường mạng xã hội là nơi kinh doanh phát triển rầm rộ trong những năm gần đây. Ảnh minh họa.

Mâu thuẫn, "cài cắm" hay "thiếu sót đầy chủ ý" về luật?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì cho rằng, thật sự sẽ rất đau khi nhận thấy sự giằng xé đầy mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng cố đưa ra các chế định phòng chống điều mà chúng ta ưu ái, nhân nhượng trong lần này.

Một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự Luật là cấm bán bia rượu từ 15 độ cồn trở lên trên Internet. Lắp vào điều trên dự thảo Luật đã chế định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó Điều 16 quy định các biện pháp kiểm soát độ tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm và mua rượu, bia. Nội dung kiểm soát cũng được chế định tại khoản 5 Điều 12 về quảng cáo rượu, bia. Trong thực tế nếu làm được điều này, tôi đề nghị Chính phủ làm ngay để kiểm soát, ngăn chặn việc truy cập hàng ngày hàng giờ các trang web với thông tin phản động, xuyên tạc, phản văn hóa, điều mà Luật An ninh mạng rất chặt chẽ, khắt khe…

Ông Nhân nhấn mạnh: Tình trạng ngày càng phổ biến của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là "vẽ đường cho hươu chạy". Báo cáo giải trình chỉ đề cập, cân nhắc quy định cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội.

Nếu cho rằng các điều khoản phải vừa vặn với nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính khả thi thì việc cấm bán rượu, bia trên internet có đòi hỏi một nguồn lực quá sức chúng ta hay không? Vừa cho rằng nguồn lực hiện có chưa đảm bảo lại vừa cho phép bán rượu, bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát thì không cụ thể thì hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự cài cắm hay thiếu sót đầy chủ ý về kỹ thuật lập pháp?.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam cho biết: Kể từ năm 1990, việc sử dụng rượu bia đã giảm ở hầu hết các nước châu Âu. Pháp cấm quảng cáo/tiếp thị rượu bia đối với tất cả các quảng cáo trên các kênh truyền hình và trong rạp chiếu phim; quảng cáo trên đài phát thanh từ 5h chiều đến 12h đêm; quảng cáo trên các ấn phẩm, trang web nhắm mục tiêu đến trẻ em; quảng cáo trên các trang web thể thao và tài trợ cho các sự kiện văn hóa thể thao.

Thụy Điển cấm quảng cáo/tiếp thị rượu bia đối với tất cả quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh; quảng cáo trên các ấn phẩm cho sản phẩm có nồng độ cồn trên 15%.

Một số nước ASEAN cũng đã đưa ra chính sách hạn chế quảng cáo/tiếp thị. Malaysia cấm tất cả các quảng cáo rượu bia. Thái Lan cấm tất cả các hình thức quảng cáo trực tiếp hoặc gián tiếp nêu lợi ích của rượu bia hoặc thúc đẩy tiêu thụ rượu bia.

WHO khuyến nghị chính phủ nên giảm khả năng chi trả của người mua bia và rượu bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Giảm số người trẻ tuổi tiếp xúc với rượu bia thông qua việc hạn chế quảng cáo rượu bia trên các phương tiện truyền thông. Giảm sự sẵn có của rượu bia bằng cách giới hạn thời gian, địa điểm và độ tuổi cho phép tiếp cận rượu bia. Tăng cường hơn nữa việc thực thi kiểm soát lái xe uống rượu bia.

Dương Hải
Ý kiến của bạn