Sau khi phiên bản đầu tiên về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được đưa ra công luận ngày 15/4/2018 và đã được các bộ ngành, tổ chức xã hội tham gia góp ý; đồng thời nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh thúc đẩy nếp sống lành mạnh toàn cầu IOTC quốc tế (gồm 151 tổ chức thành viên từ 60 nước trên thế giới), Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (gồm 15 tổ chức thành viên như: Hội Y tế công cộng Việt Nam, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Hội Hô hấp Việt Nam…), Tổ chức HealthBrige Canada tại Việt Nam…
Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều ý kiến phản đối quyết liệt từ ngành công nghiệp rượu bia. Một số lãnh đạo cấp Vụ, Cục của một số Bộ cũng có ý kiến ngả theo ngành công nghiệp rượu bia.
Sau đó, Chính phủ đã họp, nghe Bộ Y tế trình bày, tất cả đều nhất trí sự cần thiết phải ban hành Luật, hơn 3/4 thành viên Chính phủ nhất trí với nội dung dự Luật đề xuất.
Tuy nhiên, sau nhiều lần lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung cho dự Luật, đến phiên bản 5 này, TS. Trần Tuấn – Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam đánh giá: "Đây là phiên bản có độ lùi lớn nhất so với phiên bản ban đầu mà Bộ Y tế đưa ra với các điều khoản mạnh cách đây một năm, tới mức chỉ đủ mang tính chất có Luật, còn thực chất không thể coi là một công cụ pháp lý khoa học, nhân văn cho hoạt động phòng chống tác hại của rượu bia và các loại đồ uống có cồn như xã hội đang mong đợi".
TS. Trần Tuấn.
Giống như ngành công nghiệp thuốc lá, ngành công nghiệp rượu bia có lợi ích phát triển mâu thuẫn với lợi ích sức khỏe toàn dân nên họ sẽ có những hành động để tác động đến chính sách. Họ đã thông qua sự tiếp tay của một số bộ phận, cả một số Đại biểu Quốc hội và trong Chính phủ, để đưa ra những chỉnh sửa, lập luận, ngăn cản và bác bỏ những bằng chứng của ngành y tế. Do đó, cần có biện pháp ngăn chặn mọi sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia dù dưới bất kỳ hình thức nào tới tiến trình sửa dự thảo Luật và thông qua dự thảo Luật tại Quốc hội- ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng nêu lên một vấn đề đó là đạo đức của những người làm chính sách công, đạo đức của Đại biểu Quốc hội khi góp ý dự Luật vì đây là dự Luật đảm bảo sức khỏe y tế công cộng. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, những người làm chính sách công, các Đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ cần tuân thủ theo nguyên tắc đạo đức của người làm chính sách, đó là điều mà nhân dân mong đợi.
Tránh kiểu làm Luật tụt hậu!
Tình trạng rượu bia tràn lan, đưa Việt Nam đứng đầu thế giới về mức tiêu thụ rượu bia xét theo đầu người và hệ lụy của rượu bia về bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực cộng đồng, xâm hại tình dục ở trẻ em và trẻ vị thành niên… liên tục gia tăng trong những năm qua, phải là đòi hỏi khẩn cấp Quốc hội phải ra được các điều luật mạnh đi đúng theo các khuyến cáo chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới dành cho phòng chống tác hại rượu bia.
Chuyên gia này cho rằng Dự thảo Luật hiện hành cần được sửa theo hướng chủ đạo, khẳng định rượu bia và đồ uống có cồn nói chung là sản phẩm tiêu dùng có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính hệ thần kinh và ngộ độc mạn tính dẫn đến tình trạng nghiện và bệnh tật ở người dùng, tác hại nghiêm trọng tới 13 trong tổng số 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của đất nước.
“Mức thuế đưa lại cho ngân sách của rượu bia và các loại đồ uống theo báo cáo chính thức ước tính năm cao nhất chưa đầy 50.000 tỉ đồng/năm (khoảng 2,2 tỉ đôla Mỹ/năm) nhưng chi phí mà ngân sách quốc gia cùng tiền túi người dân bỏ ra để khắc phục tác hại của rượu bia ước tính hàng năm từ 1,3%-3% tổng thu nhập GDP quốc gia (tương đương mức tổn thất từ 3,5-10,5 tỉ đôla Mỹ/năm). Trong khi đó, WHO chỉ ra, 1 đôla chi phí vào thực hiện gói chiến lược can thiệp đồng bộ giảm tác hại của rượu bia đưa lại 9,13 đôla lợi ích tổng thể”- ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, dự Luật cũng cần đưa vào cụ thể quy định mức thuế cơ bản và đánh thuế lũy tích theo nồng độ cồn có trong sản phẩm. Có điều Luật cụ thể và chế tài xử phạt mạnh ngăn ngừa trẻ vị thành niên tiếp xúc với rượu bia….
“Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng cho ra đời một Bộ Luật kém, tụt hậu so với thế giới khi mà đã có sẵn các khuyến cáo khoa học được thế giới đưa ra đảm bảo các điều kiện cơ bản về phòng chống tác hại của rượu bia”- ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh: Khi xây dựng Luật, các quy định đưa ra trong Luật phải đủ mạnh mới có tác dụng kiểm soát, còn nếu không, Luật chỉ mang tính hình thức chứ không có tác dụng trong thực tế!
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 23/5 và dự kiến sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 14/6 tới.