Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn

20-11-2023 06:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Vượt lên khó khăn, những giáo viên đang âm thầm "bám bản" gieo con chữ với mong ước góp một chút tri thức nhỏ nhoi giúp những đứa trẻ vùng biên viễn có tương lai tươi sáng hơn.

Phải nhiều lần liên lạc qua điện thoại, thầy giáo Trương Như Thuần, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Trường Lâm Thủy) nằm tại bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mới gật đầu hẹn gặp phóng viên.

Thầy Thuần "gây khó khăn" vì trời mưa tầm tã, con đường lên trường sạt lở, chia cắt rất nguy hiểm cho những ai khi có ý định tới thăm trường trong dịp 20/11.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 1.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy nằm ở vùng biên giới của huyện Lệ Thủy, người dân chủ yếu là đồng bào Bru - Vân Kiều.

Cơn mưa rừng ngày một nặng hạt, vượt hàng chục cây số đường khúc khuỷu, một bên là vách núi cao với nhiều "vết thương" sau những lần sạt lở, một bên là vực sâu được che khuất bởi những đám cây bụi.

Những ai đã từng đi qua và chứng kiến cảnh tượng hiểm nguy này mới quý trọng những hy sinh của các giáo viên đang ngày đêm "cõng con chữ" đến với học sinh miền biên ải.

"Trồng người" dưới tán rừng Trường Sơn

Trường Lâm Thủy có 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện việc nuôi dạy 339 học sinh tại 4 điểm trường. Trong đó, gần 95% học sinh của trường là con em đồng bào Bru - Vân Kiều.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 2.

Trường có 339 học sinh, gần 95% là học sinh người đồng bào Bru - Vân Kiều.

Những giáo viên nơi đây phần đông là từ miền xuôi, gác lại nhiều nỗi niềm để "cõng con chữ" lên vùng biên. Nói về khó khăn khi thực hiện sự nghiệp giáo dục ở vùng biên, thầy Đặng Ngọc Tân, Tổng phụ trách đội Trường Lâm Thủy nói vui "kể cả ngày chưa hết". Hơn 12 năm trước, ngày thầy Tân quyết định lên Lâm Thủy công tác, nhiều người ái ngại, có người cấm cản.

"Lâm Thủy lúc đó vô vàn khó khăn, người ta bảo có điên mới đến nơi "khỉ ho, cò gáy" như vậy để công tác. Bỏ những lời khó nghe ngoài tai, tôi đến với các em học sinh nơi đây", thầy Tân chia sẻ.

Ở nơi đây, việc trèo đèo, lội suối, băng rừng để vào các điểm trường là chuyện bình thường. Thầy Tân vẫn nhớ những ngày khó, khi đường đi chưa thuận lợi, thầy cùng các đồng nghiệp phải cõng hơn 30kg giáo án, sách vở, thức ăn,... từ điểm chính để vào bám bản dạy học.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 3.

Thầy cô Trường Lâm Thủy vào bản mùa mưa lũ.

"Ngày đó mỗi lần từ điểm chính vào bản là mỗi người cõng chừng 30kg gồm giáo án, sách vở, thức ăn để sử dụng được ít nhất 1 tuần. Đường đi vào các điểm trường phải băng suối với nền đá nhọn lởm chởm, ngày mưa đá núi sạt xuống chắn hết đường", thầy Tân nhớ lại.

Ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô làm luôn công tác "dân vận", đi đến từng nhà để vận động phụ huynh và động viên các em đến trường. Do địa hình cách trở, việc đi lại của thầy cô cũng như học sinh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào những mùa mưa phải đi qua các con suối, ngầm tràn rất nguy hiểm.

"Lúc mới lên công tác, tôi với đồng nghiệp vào bản ngày mưa phải lội suối trượt chân ngã vào vùng nước xiết, may sao nắm được vào đám cây rồi bò lên. Đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn thì thả theo dòng rồi dạt vào đoạn góc suối nước lặng hơn", thầy Tân kể.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 4.

Thầy Tân (bìa trái), thầy Thuần (áo xanh) tới thăm, tặng quà gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh (SN 1985, trú xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) cho biết, năm 2009 cô được tuyển vào Trường Lâm Thủy. Bắt đầu công việc với vai trò là nhân viên thiết bị, nhưng cô vẫn luôn đau đáu với ước mơ dạy trẻ. Với bằng cử nhân bộ môn Sinh học, cô Thanh mạnh dạn xin phụ đứng lớp. Suốt 4 năm, vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thiết bị, cô Thanh vừa tham gia đứng lớp và học tập nâng cao. Năm 2015, sau những nỗ lực và các điều kiện cần thiết, lãnh đạo nhà trường đồng ý để cô Thanh thi chuyển vị trí việc làm.

"Trước đó, tôi chưa từng đến Lâm Thủy và cũng không ngờ nơi đây khó khăn như vậy, hình ảnh ấy chỉ mới được xem qua vô tuyến. Nhiều lúc khó khăn quá, tôi nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng rồi nhìn những ánh mắt, nụ cười biết ơn của học trò nghèo nơi đây như tiếp thêm sức mạnh để công tác đến ngày hôm nay", cô Thanh chia sẻ.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 5.

Cô Thanh bồi dưỡng học sinh đồng bào Bru - Vân Kiều tham gia kỳ thi học sinh giỏi.

Từ đứng lớp, cô Thanh được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học. Với sự nỗ lực của cô trò, 5 năm liền các đội thi môn Sinh học đạt giải đồng đội huyện Lệ Thủy. Với những góp của mình, nữ giáo viên này được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh... và sự tin yêu của học trò, đồng nghiệp và phụ huynh.

Cô Thanh chia sẻ, sống và công tác ở vùng núi, biên giới với nhiều khó khăn, các thầy cô cũng quen dần. Nhưng cô thấy thương và có lỗi với con gái nhỏ của mình. Trong nỗi mưu sinh, người chồng thương xuyên phải làm thuê xa nhà, khi con nhỏ chập chững bước đi, cô phải gửi con cho ông bà chăm để trở lại trường công tác. Rồi nỗi nhớ thương con khiến cô nhiều đêm ướt gối, cô xin đưa con lên bản.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 6.

Cô Thanh thương con gái phải chịu nhiều vất vả khi cùng mẹ cắm bản.

"Mỗi cuối tuần 2 mẹ con lại vượt rừng về quê thăm người nhà. Đường xa, khúc khuỷu tiết trời nắng mưa thất thường nên mỗi lần về quê hai mẹ con lăn ra ốm cả tuần liền. Có những lần đang đi con nói mệt quá, dừng xe nghỉ thấy con mặt xanh xao đi mà tôi ứa nước mắt. Sau đó mẹ con cũng xin phép ông bà ít về hơn vì sợ cháu đau. Khi ở lại bản ngày cuối tuần thì tôi bồi dưỡng cho học sinh đi thi và ôn tập cho các em yếu hơn", cô Thanh chia sẻ.

Gắn bó "cả thanh xuân" của mình với con em vùng biên viễn, những nhà giáo như cô Thanh, thầy Tân nhận thấy sự đổi thay trong đời sống và cách nghĩ của bà con nơi đây. Điện, đường, trường, trạm được nhà nước quan tâm đầu tư, bà con từ việc thiếu đói nay biết dựa vào rừng phát triển kinh tế, việc học tập của con em cũng được phụ huynh chú trọng hơn.

Những món quà "cay khóe mắt" ngày Nhà giáo

Kể về những kỷ niệm với các học trò nghèo nơi đây, cô Thanh, thầy Tân, thầy Thuần có thể kể "cả ngày" không hết chuyện. Đó là chùm hoa dại hái vội, một lời chúc của học sinh nói chưa sõi tiếng phổ thông tặng giáo viên ngày Nhà giáo Việt Nam, những củ sắn, củ khoai vừa chín tới được các em ủ trong lá chuối non trong những buổi chiều lạnh đầy sương như níu chân các thầy, cô ở lại nơi đây.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 7.

Cô Thanh có nhiều kỷ niệm đẹp cùng học trò của mình.

Thầy giáo Đặng Ngọc Tân nhớ lại, ngày Nhà giáo những năm trước, các thầy, cô vào bản ở lại ăn cơm cùng bà con, phụ huynh. Có người mang tới lon gạo, túi khoai, người tặng cây mía, vài trái ổi rừng gọi là quà 20/11 làm mọi người rớt nước mắt.

"Sự đổi thay trong suy nghĩ và việc làm của phụ huynh và trò nghèo nơi đây khiến chúng tôi vui mừng. Chẳng cần gì cao sang, món quà lớn nhất là các em chăm ngoan học tập, phụ huynh quan tâm, động viên con em đến lớp đầy đủ. Những bó hoa dại, những củ sắn nhỏ nhưng tôi biết trong đó chứa đầy tình cảm chân thành của các em", thầy Tân xúc động cho biết.

Chuyện 'trồng người' giữa đại ngàn biên viễn- Ảnh 8.

Thầy Thuần cùng những giáo viên khác vui mừng vì sự đổi thay trong học tập và hành động của học trò và phụ huynh nơi đây.

Món quà mà cô giáo Công Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Lâm Thủy nhận trong ngày 20/11 năm ngoái khiến cô ấn tượng mãi. Không phải là bó hoa sặc sỡ, cũng không phải là tấm thiệp với hàng chữ nắn nót mà chỉ là vài quả khế. Cố Lý không so bì nhưng đó là món quà ngày lễ khiến cô cay khóe mắt.

"Tôi nhận thấy học trò ở đâu cũng rất tình cảm, học trò trên đây tỏ bày tình cảm bằng cách rất đặc biệt. Những đứa trẻ ấy thương và cho cô thầy những gì quý nhất mình có. Mấy quả khế ở vườn nhà tuy chua nhưng rất ngọt ngào khi đó là tình cảm mộc mạc của các em dành cho giáo viên", cô Lý chia sẻ.

Thầy giáo Trương Như Thuần nhớ lần đầu tiên công tác tại đây được tặng quà ngày 20/11 là một khóm hoa rừng. "Những nhánh hoa rừng đơn sơ đó là tấm lòng chân thành và mộc mạc của học trò. Các giáo viên vui không phải vì được các em tặng hoa mà là cảm nhận được sự đổi thay trong suy nghĩ khi các em đã biết yêu thương thầy cô, biết bày tỏ tình cảm trong ngày Nhà giáo Việt Nam", thầy Thuần chia sẻ.

Theo chân giáo viên vào bản sâu, gõ cửa từng nhà "gieo chữ" cho học sinhTheo chân giáo viên vào bản sâu, gõ cửa từng nhà 'gieo chữ' cho học sinh

SKĐS - Để “con chữ” tới được với toàn bộ học sinh không có điều kiện học trực tuyến, giáo viên vùng cao tỉnh Quảng Bình phải vượt đường hiểm trở, băng rừng, lội suối vào bản. Hành trang mang theo là tài liệu học tập, sách, vở đến từng nhà trao tận tay và hướng dẫn học trò tự học.

Qua phản ánh của báo Sức khỏe & Đời sống, học sinh Vân Kiều ở Quảng Bình thoát cảnh tìm sóng học onlineQua phản ánh của báo Sức khỏe & Đời sống, học sinh Vân Kiều ở Quảng Bình thoát cảnh tìm sóng học online

SKĐS - Ngày 1/10, Trao đổi cùng PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Phan Thanh Nam, Giám đốc Chi nhánh Viettel tỉnh Quảng Bình cho biết, sau một thời gian triển khai lắp trạm phát sóng, từ ngày hôm nay bản Bạch Đàn cùng một số bản làng khác của xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được phủ sóng 4G.

Video dựng lán giữa rừng tìm sóng học online.



Hùng Trần
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn