Video Chị em Bru – Vân Kiều nhờ ba dựng lán giữa rừng bắt sóng học online.
Trong tiết trời lắm thất thường, những cơn mưa rừng vội đổ xuống rồi nắng lại lên, chúng tôi vượt hơn 50 km đường, từ vùng trung tâm huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để tới với xã miền biên Lâm Thủy. Theo chân các giáo viên vùng cao, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường "khốn khổ" để vào bản Bạch Đàn.
Nói đây là đoạn đường "khốn khổ" bởi chỉ trong một đoạn ngắn đã phải vượt qua nhiều con dốc dựng đứng. Mặt đường chỗ thì đá ngổn ngang, đoạn thì đất đỏ trơn trượt. Một số đoạn địa hình khá thoải đã được làm đường bê tông còn phần lớn là các con dốc dựng đứng nên việc làm đường bê tông là bất khả thi.
Một bên đường là vách núi dựng đứng có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, phía còn lại là những đoạn là vực sâu khiến anh đồng nghiệp ngồi phía sau còn căng thẳng hơn cả người cầm lái là tôi.
Anh em phóng viên cùng các giáo viên phải tập trung hết trí, lực để điều khiển những "con ngựa sắt" ì ạch leo dốc rồi né nhưng rãnh nước giữa đường, những tác đá chắn lối. Phần lớn đoạn đường, bạn đồng hành của tôi phải cuốc bộ theo để hỗ trợ tôi đưa xe ra khỏi rãnh nước, vũng bùn. Chặng đường rừng ấy như muốn thử thách nỗ lực và cản bước chúng tôi.
Trên đoạn đường đó, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hai chị em đồng bào Bru – Vân Kiều, Hồ Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005) đang chăm chú học tập trong lán nhỏ giữa rừng.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, em Hồ Thị Son cho biết hiện em học lớp 12 còn em gái học lớp 11 tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình. Đã gần 4 tháng nay, việc lên lớp của em cùng các bạn phải dừng lại do nghỉ hè và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ở nhà, các em được thầy cô hướng dẫn việc tự học, tự ôn bài.
Son tâm sự, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, mọi thu nhập gần như chỉ dựa vào việc làm nương rẫy nhưng ba mẹ em luôn tạo điều kiện cho các em học tập. Họ chỉ hy vọng con học tập tốt, có kiến thức để thoát khỏi cảnh nghèo khó.
"Nhà có 3 chị em gái, ba mẹ quanh năm làm rừng làm rẫy nên không giàu có chi. Ba mẹ luôn nói cố gắng mà học lấy con chữ sau biết đường mà thoát nghèo", Son cho biết.
Để hỗ trợ con gái học trực tuyến, ba mẹ của Son vẫn cố gắng dành dụm để mua cho hai chị em Son 2 chiếc điện thoại thông minh với giá hơn 1 triệu/chiếc. Khi giải quyết được vấn đề thiết bị học tập thì một điều khó khác lại cản trở việc học của chị em Bru – Vân Kiều này. Bản Bạch Đàn nằm cách xa vùng trung tâm của xã, nơi đây sóng điện thoại chỗ có, chỗ không, nơi có cũng rất yếu không thể kết nối học trực tuyến.
Không bỏ cuộc, hai chị em mất nhiều ngày mò mẫm quanh bản mới tìm được điểm có sóng 3G mạnh, đủ ổn định để truy cập vào phần mềm học trực tuyến nghe cô thầy giảng bài. Chỗ bắt sóng là khu vực đồi cao cách bản khoảng 20 phút đi bộ.
Vào mùa này, những cơn mưa rừng thường đổ bất chợt, gió thổi mạnh, nên hai chị em không thể ngồi giữa trời để học được. Thương con, ba mẹ Son đã nghỉ buổi làm rẫy để chặt cây dựng cho hai con căn chòi mái bạt chắn gió che mưa lúc học. Chỗ dựng lều, phía sau lưng là vách núi cao, trước mặt là vực sâu đều có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, nên chị em Son chỉ dám đến ngồi học lúc trời tạnh ráo.
"Ở trong bản không có mạng internet nên chúng em phải ra ngoài vì sóng điện thoại ở chỗ này tốt hơn. Chỗ khác sóng không mạnh nên ba dựng chòi bên vách núi như vậy. Phải theo học để đuổi kịp các bạn cùng trang lứa. Mỗi ngày chúng em học buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối học nghề thì chúng em xin nghỉ vì ra chỗ này không có điện", Son cho biết.
Trong chòi tạm, những thanh gỗ được kê tạm làm bàn, ghế, ba Của Son và Huyền còn sáng tạo giúp con gái đế điện thoại bằng gỗ. Những buổi sáng trời đẫm sương lạnh buốt, Huyền và Son phải nhóm bếp lửa kế bên để sưởi ấm và ngồi học bài. Vượt qua những khó khăn, hai chị em lại động viên nhau cùng cố gắng học tập không phụ lòng ba mẹ và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn bằng con chữ.
Son cho biết, năm nay là năm cuối cấp nên em cũng lo lắng, tự nhủ phải cố gắng học tập trong mọi điều kiện để vừa theo kịp bạn bè, vừa có thêm kiến thức để thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau khi học xong cấp 3, nếu có điều kiện em sẽ thi Đại học hoặc Cao đẳng, còn nếu khó khăn quá thì em sẽ xin đi học nghề.
"Em sợ không theo học kịp các bạn, các bạn học ở ngoài kia thì có mạng internet, còn em ở trong này lúc có sóng lúc không, buổi tối không có điện để học. Nếu trời mưa thì em không đi học được, sợ sạt lở, sập núi sập đường nên em xin cô nghỉ. Ba mẹ cho em lên chỗ lều để học, thầy cô cung cấp nhiều kiến thức như em đang đi học ở trường vậy", Son tâm sự.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn sử dụng một số thiết bị y tế tại nhà.