Những người sống bên hang động lớn nhất thế giới
Bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, là nơi sinh sống của những người Bru - Vân Kiều. Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, đường sá đi lại gian nan cách trở, người dân bản Đoòng sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Phải mất hàng giờ đồng hồ từ điểm xuất phát nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông đoàn chúng tôi mới tới được bản. Bản Đoòng nằm trên một mô đất bằng phẳng giữa thung lũng gần với hang Én và hang Sơn Đoòng, bao quanh là những vách núi dựng đứng hùng vĩ đẹp đến nao lòng.
Tới bản, được gặp trưởng bản Nguyễn Soái Trắc (73 tuổi) người được bà con trong bản gọi với cái tên thân mật "bố Tòa". Ông chính là một trong những người đầu tiên vào khai hoang lập bản.
Đó là vào hơn 30 năm trước, khi gia đình bố Tòa còn định cư ở khu vực xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cuộc sống luôn phụ thuộc vào núi rừng. Trong một chuyến đi rừng dài ngày, bố Tòa phát hiện ra một thung lũng bằng phẳng, bốn bề bao bọc bởi núi đá vôi.
"Ở đây có suối, có cá, có đất rộng để trồng cây, tôi đánh dấu ghi nhớ địa điểm rồi về bàn bạc đưa cả gia đình sang nơi ở mới", bố Tòa cho biết.
Năm 1990, bố Tòa và 4 hộ dân khác cùng nhau tới vùng đất này lập bản, cùng nương tựa nhau sống giữa vùng lõi vườn Quốc gia. Năm 1991, có một số người lập bản mất, một số hộ dân bắt đầu rời đi. Chỉ duy nhất đại gia đình bố Tòa tiếp tục ở lại xây dựng bản Đòong.
Theo bố Tòa, từ khi hang Én, hang Sơn Đòong được phát hiện và đưa vào khai thác du lịch, bản Đòong từ một nơi biệt lập vắng bóng người lạ trở thành nơi ghé thăm thường xuyên của du khách. Nơi bố Tòa sinh sống thường được các đoàn thám hiểm chọn là điểm dừng chân, ăn uống để tiếp tục hành trình khám phá hang động.
Bản nhỏ nơi quần tụ của đại gia đình
Bản Đoòng từ lúc thành lập đến nay cũng không có thêm ai di cư đến vùng bản khó khăn bậc nhất của xã Tân Trạch để sinh sống. Hiện cả bản có 13 hộ dân thì hầu hết đều là con cháu, ruột của bố Tòa.
"Ngày xưa tôi và một số người nữa đến đây rồi lập bản, sau ni (này) sinh con, sinh cái dần đông lên, người trong bản đều là anh em họ hàng cả. Vì thế nên con cháu tui ở đây cứ đến tuổi thì phải cắt rừng, băng suối đến các bản khác để tìm vợ, gả chồng", bố Tòa chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Chóc (31 tuổi) và vợ là chị Hồ Thị Thư (30 tuổi) là con của bố Tòa. Theo lời anh Chóc kể, từ khi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thành lập việc bà con khai thác tài nguyên núi rừng cũng hạn chế, thậm chí cấm nhưng đổi lại Nhà nước cũng hỗ trợ cho bản các chính sách như cấp gạo, tiền… hàng tháng để bà con có cái ăn, cái mặc. Người dân bản Đoòng còn trồng ngô, sắn để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.
"Được Nhà nước hỗ trợ nhưng đôi khi chúng tôi vẫn gặp khó, mỗi lần mua mắm, muối, thức ăn… phải mất cả ngày trời để đi từ bản xuyên rừng lên đường Hồ Chí Minh, rồi từ đó tiếp tục di chuyển về Phong Nha. Mỗi lần đi chợ sẽ phục vụ cho cả tuần hoặc cả tháng nên chúng tôi thường rủ nhau đi, tuần này gia đình tôi thì tuần sau đến gia đình khác", anh Chóc nói.
Những lần đỡ đẻ "nhiều không" giữa rừng
Ở giữa núi rừng tách biệt với thế giới nhộn nhịp, cuộc sống thiếu thốn càng khiến tình máu mủ ở bản Đòong càng trở nên thắm thiết hơn. Đặc biệt nhất chính là câu chuyện của các "bà đỡ " tự phát chuyên đỡ đẻ cho nhau được hình thành trong đại gia đình của ông Nguyễn Soái Trắc.
Sống giữa rừng sâu, chuyện sinh nở ở bản Đòong như một ván cược, ai may mắn sẽ vượt cạn thành công, ai sức yếu khó sinh" thì chỉ chờ vào "thần linh". Điều kỳ diệu thay khi hơn 30 năm qua vẫn chưa có một chị em nào vượt cạn không thành công dưới bàn tay của những "bà đỡ" tự phát.
Chị Thư, vợ anh Chốc đã có hơn 10 lần đỡ đẻ cho các chị em trong bản. Chị kể, mỗi lần ai đến kỳ sinh nở một "đội quân" từ 10-15 chị em lại tập trung hỗ trợ. Người vào rừng tìm cây tre, vót sắc như dao để cắt nhau thai, người đi tìm lá thuốc nấu cho bà bầu uống có sữa, hồi phục sức khỏe sau sinh...
"Đến thời khắc quan trọng, người mang thai cần gì chúng tôi làm đó cho đến khi đứa trẻ lọt lòng. Cứ thế suốt mấy chục năm nay nên các chị em dần có kinh nghiệm về việc đỡ đẻ giữa núi rừng", chị Thư tươi cười kể lại.
Bằng cách đỡ đẻ rất thô sơ, không có kỹ thuật y tế, không một viên thuốc giảm đau… nhưng hơn 30 năm nay đã có 24 đứa trẻ được sinh ra và vẫn lớn lên khỏe mạnh, tiếp tục nối dài chuỗi "mầm gieo" mà bố Tòa đã làm tại bản Đoòng.
WHO cảnh báo: Virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan rộng | SKĐS