Theo ghi nhận của PV Báo Sức khoẻ&Đời sống, trong hai ngày 3-4/11, nhiều cây xăng tại Hà Nội đã đóng cửa nghỉ bán. Những cây xăng mở cửa bán hàng thì luôn trong tình trạng quá tải, người và xe chen chúc, xếp hàng dài chờ đến lượt đổ xăng.
Nhiều người dù chen chúc, chờ đợi đến mòn mỏi tại một số trạm xăng nhưng kết quả nhận về vẫn chỉ là chiếc bình xăng "vơi một nửa". Thậm chí nhiều người không thể mua nổi xăng, buộc phải dắt xe về dù đã phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ.
Ngày 4/11, theo ghi nhận của PV tại một số khu vực nội thành như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa... cho thấy tình trạng các cây xăng dừng bán hoặc bán nhỏ giọt là khá phổ biến. Cụ thể, chiều 4/11, cửa hàng xăng dầu Lạc Long Quân (tại số 163 đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) đã đề biển dừng bán hàng. Nhân viên tại trạm xăng này giải thích là do nguồn hàng vẫn chưa về nên cửa hàng tạm dừng việc kinh doanh.
Đáng chú ý, trước đó vào cuối tháng 10, PV cũng đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng giới hạn số tiền mỗi lần đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 163 Lạc Long Quân. Cụ thể, khách hàng chỉ được đổ tối đa 50.000 đồng/lần đối với xe số và 100.000 đồng/lần đối với xe ga. Thời điểm đó, nhân viên của cửa hàng cũng giải thích rằng đang thiếu nguồn cung nên phải cầm chừng.
Tại quận Ba Đình, một số trạm xăng tư nhân cũng bán theo kiểu nhỏ giọt. Thường các cây xăng này sẽ khống chế bán hàng ở mức 50.000 đồng đối với xe máy và cũng không bán nhiên liệu ở mức tối đa cho các loại phương tiện còn lại.
Chị Minh Châu (24 tuổi, trú tại quận Ba Đình) cho biết: "Trước đây tôi đổ xăng đầy bình, đi được gần 1 tuần mới phải đổ tiếp. Việc đổ xăng kiểu 50.000 đồng/lượt khiến tôi không hài lòng vì phải ghé trạm xăng quá nhiều lần, mỗi lần lại phải chen chúc, chờ đợi rất mệt mỏi và mất thời gian".
Việc không thể đổ "đầy bình" khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, thậm chí khó chịu khi phải chờ đợi một khoảng thời gian khá lâu nhưng nhu cầu không được đáp ứng.
Trong khi đó, tại khu vực ngoại thành xuất hiện không ít các cửa hàng xăng dầu cố định thời gian bán hàng, thậm chí nhiều nơi dừng bán sau 17h. Đáng chú ý, nhiều trạm xăng được thiết kế có tới 4 trụ bơm xăng thì có tới 2, thậm chí 3 trụ "tàng hình", hỏng hóc, gặp trục trặc đúng thời điểm đông khách.
"Khách giờ cao điểm rất đông nhưng vẫn chỉ có 2/4 trụ xăng hoạt động, người dân xếp hàng tràn cả ra đường, người nào nhanh thì 20-30 phút mới được đổ xăng, không thì còn phải đợi lâu hơn", anh Việt Đức (27 tuổi, trú tại quận Ba Đình) cho biết.
Việc bán hàng theo kiểu cầm chừng, nhỏ giọt, giới hạn số tiền mỗi lần đổ xăng khiến nhiều người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng. Do đó, nhiều người càng tìm mọi cách để đổ xăng, bất chấp phải chờ đợi lâu hay di chuyển quãng đường xa để đến những cửa hàng vẫn còn hoạt động khiến tình hình tại một số trạm xăng trở nên hỗn loạn, chật kín người vào mọi thời điểm trong ngày.
Anh Lê Đức Long chia sẻ: "Công việc của tôi yêu cầu phải đi lại rất nhiều, thường thì 2 ngày tôi đổ xăng 1 lần nhưng từ khi một số cây xăng bán hàng kiểu nhỏ giọt thì số lần tôi phải đổ xăng lại nhiều thêm, rất mất thời gian. Chưa kể, nhiều nơi đề biển hết hàng khiến người dân dồn đến những điểm bán xăng khác gây ra cảnh chen chúc, quá tải, vô cùng mệt mỏi".
Việc lượng khách hàng luôn ở mức quá tải khiến tại một số thời điểm, các phương tiện xếp hàng dài tràn cả xuống đường gây ùn tắc giao thông.
Khảo sát của PV cho thấy, hầu hết cửa hàng bán xăng dầu thuộc hệ thống của Petrolimex, PVOIL,... hiện vẫn đang hoạt động, ít xảy ra tình trạng bán "cầm chừng", khống chế số lượng. Trong khi đó, tình trạng đóng cửa, bán nhỏ giọt chủ yếu xảy ra tại các cửa hàng xăng dầu tư nhân với quy mô nhỏ.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nguyên nhân cho việc một số cửa hàng xăng dầu kinh doanh theo kiểu cầm chừng, thu hẹp hoạt động kinh doanh là do nguồn cung xăng dầu đang thiếu cục bộ.
"Cục sẽ chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tại các khu vực được phản ánh treo biển dừng bán xem các bể chứa có hết xăng thật hay không. Đồng thời, cố gắng không để tình trạng găm hàng xảy ra", đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết thêm.
Trong thời điểm việc kinh doanh, buôn bán xăng dầu có nhiều biến động, Bộ Công thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối bảo đảm nguồn cung cho thị trường, chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối), không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh…
Xem thêm video được quan tâm:
Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn cảnh xếp hàng dài chờ đổ xăng.