Từ 15 giờ ngày 1/11, nhà điều hành tăng nhẹ giá xăng dầu trong nước. Theo đó, mỗi lít xăng E5 tăng thêm 377 đồng, đẩy giá bán mới là 21.873 đồng/lít. Xăng A95 cũng được tăng 412 đồng/lít, giá bán mới là 22.756 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 287 đồng/lít, giá bán mới là 25.070 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán mới là 23.783 đồng/lít. Dầu mazut tăng 183 đồng, giá mới là 14.082 đồng/kg.
Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương - Tài chính tăng giá.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá xăng dầu lần này do tổng hợp của nhiều yếu tố.
Đó là do sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới. Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như việc khai thác và xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng; biến động tăng giảm của đồng USD; hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế; việc nhiều ngân hàng trung ương của các nước Châu Âu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát…
Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng A95, dầu mazut và giảm nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa, xăng A92 (Xăng nền pha chế xăng sinh học E5).
Ngoài biến động giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn tiếp tục chịu cả tác động của tỉ giá USD/VNĐ.
Cụ thể, tỉ giá mua - bán dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 1-11 ở mức 24.346-24.879 đồng/USD, tăng 518-520 đồng/USD so với kỳ điều hành ngày 21-10.
Liên bộ đánh giá, nếu không có tác động của yếu tố tỉ giá thì giá mặt hàng xăng E5A92, dầu hỏa, dầu diesel sẽ được giảm nhẹ, tuy nhiên do tỉ giá tăng nên giá cơ sở của các mặt hàng này đã tăng.
Ở diễn biến liên quan, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phân giao sản lượng nhập khẩu phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.
Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm tổ chức nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước đảm bảo nguồn cung trong quý IV không thấp hơn sản lượng xăng dầu của các doanh nghiệp được phân giao. Các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 24/10 giữa Bộ Công Thương và các đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ cho biết 3 tháng cuối năm, Bộ sẽ phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, bao gồm hơn 2,2 triệu m3 xăng, hơn 3,1 triệu m3 dầu diesel, hơn 8.200 m3 dầu hỏa và hơn 110.000 tấn dầu mazut.
Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất hơn 2,1 triệu m3 xăng dầu, trong đó có 35.000 tấn dầu mazut, còn lại là xăng 1,04 triệu m3 xăng, dầu diesel 1,07 triệu m3, dầu hỏa 8.287 m3.
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà được phân giao 340.000 m3 xăng, dầu; trong đó có 3.000 tấn dầu mazut, còn lại là xăng và dầu diesel. Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil 185.000 m3 xăng, dầu; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp được phân giao 149.000 m3 xăng và dầu diesel. Tổng công ty thương mại xuất khẩu Thanh Lễ được phân giao 185.000 m3 xăng và dầu diesel...