Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để thiếu xăng dầu

17-10-2022 09:35 | Thời sự

SKĐS - Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm nếu cửa hàng bán lẻ xăng dầu không bán hàng hoặc bán hàng hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Thị trường xăng dầu bất ổn do doanh nghiệp thua lỗ liên tục kéo dàiThứ trưởng Bộ Công Thương: Thị trường xăng dầu bất ổn do doanh nghiệp thua lỗ liên tục kéo dài

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, bản chất của vấn đề xăng dầu thời gian qua nằm ở chỗ doanh nghiệp thua lỗ kéo dài và khi lỗ thì họ cắt giảm chi phí, thu hẹp kinh doanh.

Truy trách nhiệm doanh nghiệp đầu mối

Sở Công Thương TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối hoạt động kinh doanh xăng dầu; các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang có hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Tại văn bản này, Sở Công Thương TP. Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống xăng dầu trên địa bàn Hà Nội (gồm các cửa hàng bán lẻ trực thuộc và thương nhân đại lý, thương nhân nhượng quyền thương mại), đảm bảo cung cấp hàng đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng đã ký với các thương nhân phân phối.

Nếu cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đóng cửa không bán hàng hoặc bán hàng hạn chế do thiếu hàng; hoặc do chiết khấu quá thấp, không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp bán lẻ chịu lỗ trong thời gian dài, các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải chịu trách nhiệm.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Sở Công Thương TP. Hà Nội đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của cơ quan này.

Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để thiếu xăng dầu - Ảnh 2.

Lực lượng QLTT kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trong trường hợp doanh nghiệp bán lẻ có khó khăn về nguồn hàng, Sở Công Thương đề nghị doanh nghiệp có văn bản yêu cầu thương nhân cung cấp xăng dầu cân đối, đáp ứng số lượng hàng, thời gian theo hợp đồng đã ký. Nếu không được giải quyết, đề nghị gửi văn bản về Bộ Công Thương, Sở Công Thương để giải quyết.

Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các của cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, xử lý các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu có vi phạm.

Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối có cửa hàng thuộc hệ thống phân phối ngừng bán hàng do thiếu hàng hoặc do chiết khấu quá thấp, không đủ bù đắp, để báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị thanh kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp giảm chiết khấu bất hợp lý hoặc không cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gây bất ổn thị trường.

Cần bình ổn mặt hàng xăng dầu

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, về việc xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực 1, trực tiếp khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để thiếu xăng dầu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khảo sát tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang (ở Long Biên, Hà Nội) trước tình hình nhiều kho xăng dầu đóng cửa do hết xăng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đối với mọi quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đơn thuần là năng lượng cho sản xuất, đời sống mà còn là an ninh quốc gia. Nên đây được coi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật giá trị và phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Chính phủ các nước đều có những tác động cần thiết, thậm chí là rất lớn vào những thời điểm cần phải bình ổn mặt hàng chiến lược này.

"Nhà nước phân giao nhiệm vụ quản lý xăng dầu cho nhiều cấp, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để quản lý tốt lĩnh vực này, không chỉ cần sự nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị mà còn cần sự phối hợp rất nhuần nhuyễn và trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Báo cáo nhanh tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết trong 9 tháng năm 2022, tổng sản lượng tạo nguồn của toàn Tập đoàn là 8.061.579 m3, đạt xấp xỉ 104% tổng nguồn tối thiểu được giao (Tổng nguồn tối thiểu được giao năm 2022 là 7,7 triệu m3), trong đó nhập khẩu chiếm 42% và 58% còn lại mua từ 2 Nhà máy lọc dầu trong nước. Sản lượng xuất bán hợp nhất 9 tháng năm 2022 là 10.118.000 m3/tấn tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch.

Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để thiếu xăng dầu - Ảnh 4.

Petrolimex đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các Công ty xăng dầu thành viên trên cả nước.

Trong những ngày đầu tháng 10/2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex, đơn cử sản lượng bán lẻ của TP.HCM ngày 10/10/2022 tăng 72% so với ngày 09/102022, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà Rịa - Vũng tàu tăng 60%... Mặc dù sản lượng nội địa của Tập đoàn tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Tập đoàn ước lỗ -780 tỷ đồng.

Đối với công tác dự trữ, hiện, Petrolimex đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các Công ty xăng dầu thành viên trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn xăng dầu dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng thương mại của đơn vị do hệ thống bồn bể còn hạn chế, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia còn thấp.

Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cũng thông tin, qua các kỳ kiểm tra, Petrolimex và Công ty Xăng dầu Khu vực I về cơ bản đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Tồn tại chính hiện nay trong bảo quản xăng dầu quốc gia là mặt hàng dự trữ quốc gia vẫn chứa chung với mặt hàng kinh doanh, mà nguyên nhân chính là do chi phí Nhà nước chi trả cho việc bảo quản thấp, doanh nghiệp phải bảo quản chung với mặt hàng kinh doanh để tiết giảm chi phí, cũng như hệ thống bồn bể của Tập đoàn chưa đáp ứng đủ.

Hiện Bộ Công thương đang tích cực rà soát, quyết liệt thanh kiểm tra, quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường.

Xem thêm video:

Không tìm được chỗ đổ xăng, nhiều người xin nghỉ làm cả ngày

‘Bắt bệnh’ nguyên nhân thị trường xăng dầu bất ổn: Chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị thế nào?‘Bắt bệnh’ nguyên nhân thị trường xăng dầu bất ổn: Chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị thế nào?

SKĐS - Theo Bộ Công thương, việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ từ tất cả các khâu từ đầu mối, phân phối cho đến đại lý buộc doanh nghiệp phải giảm chiết khấu để hạn chế hoạt động lấy hàng của đại lý bán lẻ.

Linh Thuỳ
Ý kiến của bạn