Liên tiếp trong mấy ngày gần đây xảy ra nhiều vụ cháy dẫn đến cái chết thương tâm trong đó có trẻ em đã khiến dư luận đau xót và phụ huynh lo sợ. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị, rèn luyện kỹ năng thoát nạn trong hỏa hoạn cho người lớn, trẻ em cũng là đối tượng cần nhận biết sớm kỹ năng này, đặc biệt khi trẻ phải ở nhà một mình.
Nhằm tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy cho trẻ nhỏ khi ở nhà một mình, trao đổi với PV báo Sức khỏe & Đời sống, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: "Khi trẻ nhỏ ở nhà, sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn xảy ra tai nạn cho chính các cháu hoặc cho cả người xung quanh".
Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy khi trẻ ở nhà một mình
Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, Thượng tá Đỗ Anh Quyến có một số lưu ý về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho trẻ nhỏ như sau:
Thứ nhất, hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy hiểm và nghiêm cấm trẻ tiếp cận tự ý sử dụng các thiết bị sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt phòng cháy, nổ.
Thứ hai, nhắc nhở trẻ nhỏ tắt các thiết bị điện không cần thiết vào buổi tối.
Thứ ba, không nên để trẻ ở nhà một mình và khóa trái cửa dù với bất kỳ lý do nào. Khi có chuyện gấp hay có chuyện cần phải đi vắng trong chốc lát, có thể nhờ người thân, hàng xóm trông chừng trẻ giúp mà không nhất thiết khóa trái cửa. Ngoài ra, cần thường xuyên huấn luyện, chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố nguy hiểm, cháy nổ…
Các bậc cha mẹ cần đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn.
Thứ tư, không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt.
Thứ năm, không giao cho trẻ nhỏ thực hiện việc đốt vàng mã. Hạn chế giao trẻ nhỏ thực hiện việc dùng bếp lửa để đun nấu đề phòng hỏa hoạn và bị bỏng.
Thứ sáu, không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, việc lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn.
Thứ bảy, bố mẹ hoặc người lớn trước khi đi làm phải chủ động kiểm tra và tắt bình đun nước nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng.
Thứ tám, chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.
Xảy ra hỏa hoạn, trẻ phải làm gì?
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, trong trường hợp trẻ ở nhà một mình chẳng may xảy ra hỏa hoạn, cha mẹ cần dạy trẻ phải bình tĩnh khi có tình huống như phát hiện khói trong nhà, lửa cháy. Khi trẻ phát hiện ra có đám cháy trẻ cần phải báo ngay cho người lớn biết, nhanh chóng tìm sự giúp đỡ của người lớn và tìm cách thoát ra khỏi khu vực có đám cháy càng sớm càng tốt.
Không được chạy đi tìm hay mang theo những món đồ chơi, hay vật quan trọng với trẻ. Bởi vì việc tìm kiếm trong trường hợp này sẽ rất mất thời gian và càng đặt trẻ vào tình huống nguy hiểm hơn.
Nếu lửa nhỏ và có chỉ cần lấy dẻ ướt đặt vào là được, trẻ có thể tự làm.
Nếu lửa lan nhanh nhưng vẫn có thể chạy ra ngoài, hãy chạy thật nhanh sang tìm hàng xóm hoặc bất kỳ ai gần đó để nhờ họ liên hệ với cứu hỏa và bố mẹ.
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ cách nhận biết các lối thoát hiểm xung quanh nơi ở của mình để bé có thể tìm cách chạy thoát khi có đám cháy, đồng thời ba mẹ cũng cần dạy bé không được sử dụng thang máy khi có hỏa hoạn. Hãy hướng dẫn bé đi cầu thang bộ hoặc đi theo sát những người lớn xung quanh bé.
Một tình huống có thể xảy ra khi hỏa hoạn là trẻ sẽ bị bắt lửa vào quần áo. Nếu chẳng may bị như vậy, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ nhanh chóng nằm ra sàn và lăn nhiều vòng qua lại để dập lửa. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể làm ướt quần áo để hạn chế khả năng bắt lửa.
Trong trường hợp chưa kịp thoát ra ngoài, phải đợi người đến cứu thì trẻ cần ngăn khói lan vào phòng. Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ dùng khăn vải ướt chặn đường đi của khói như khe cửa ra vào, cửa sổ… Đồng thời, trẻ cũng cần dùng khăn ướt để che mũi miệng tránh hít phải khói độc.
Một số vụ cháy gây thiệt hại về tài sản và làm chết trẻ em khi ở nhà một mình
Theo Công an TP.HCM, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại về tài sản và làm chết trẻ em khi ở nhà một mình. Quá trình điều tra, nguyên nhân các vụ cháy đa phần là do người thân khóa trái cửa để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Cụ thể, vào lúc 3 giờ 15 phút ngày 11/9/2023, vụ hỏa hoạn xảy ra tại địa chỉ số 204/44 đường Thống Nhất (phường 10, Gò Vấp) làm cháy toàn bộ căn nhà có gác gỗ diện tích khoảng 18m2 và làm chết 2 trẻ nhỏ P.T.B.T. (SN 2013) và bé trai P.T.B.P. (SN 2017). Vụ cháy xảy ra khi ba mẹ khóa trái cửa đi chợ Bình Điền mua cá về bán lúc đêm khuya.
Ngoài ra, vụ cháy lúc 16h22 phút ngày 23/7, xảy ra cháy ở nhà dân tại tổ 14, ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm em N.Đ.V.P. (10 tuổi) và N.Đ.C.B. (1 tuổi) con ruột vợ chồng anh N.V.P. (37 tuổi, quê Sóc Trăng) chết thương tâm.