Chuyên gia hướng dẫn trẻ 9 kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn

14-09-2023 12:37 | Thời sự

SKĐS - "Lúc bình thường chúng ta chưa thấy giá trị của các kiến thức về phòng cháy chữa cháy nhưng khi sự cố xảy ra, các kiến thức đó sẽ chính là cái học vô cùng quan trọng để chúng ta tìm đến an toàn", TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.

Vụ việc cháy chung cư mini ở Thanh Xuân (Hà Nội) đang khiến dư luận xót xa vì con số thương vong quá thảm khốc. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội có 30 người, bao gồm 1 giáo viên và 29 học sinh là nạn nhân trong vụ cháy, trong đó 10 học sinh không may thiệt mạng.

Thực tế không chỉ nhà ở mà ngay cả chính các trường học cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên gia giáo dục - TS. Vũ Thu Hương cho biết: "Khi vụ việc cháy tại chung cư mini ở Thanh Xuân xảy ra, nghe thông tin của vụ việc, tôi cảm thấy vô cùng đau lòng vì tôi nhận thấy các nạn nhân dù kể cả người đã thoát ra ngoài an toàn vẫn có thể chưa biết đến các nguyên tắc thoát hiểm khỏi hỏa hoạn. Họ có thể đã thoát được vì may mắn. Vậy nên tôi thấy rất dằn vặt vì biết rằng nếu những nạn nhân của vụ cháy mà biết các nguyên tắc thoát hiểm, chắc chắn tỉ lệ tử vong không cao đến như vậy".

Chuyên gia hướng dẫn trẻ 9 kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn - Ảnh 1.

Theo TS. Vũ Thu Hương, hiện nay từ các bậc phụ huynh đến nhà trường đều quan tâm đến học chữ, học số, học ngoại ngữ mà bỏ qua những kiến thức vô cùng cần thiết về thoát khỏi hỏa hoạn. Lúc bình thường chúng ta chưa thấy giá trị của các kiến thức này nhưng khi sự cố xảy ra, các kiến thức đó sẽ chính là cái cọc vô cùng quan trọng để chúng ta nắm vào tìm đến an toàn.

"Dù trẻ ở trường thì nguy cơ hỏa hoạn và các nguy cơ tai họa khác vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, theo tôi các kiến thức thoát hiểm phải được trang bị đến học sinh từ lứa mầm non và được lặp lại trong suốt quãng thời gian thơ ấu của các em. Khi có các kiến thức này, chắc chắn học sinh sẽ không hốt hoảng mà bình tĩnh tìm ra các phương án thoát hiểm an toàn và hợp lý. Thực tế đã chứng minh, sự bình tĩnh và phương án thoát hiểm phù hợp đã giúp tỉ lệ an toàn của chúng ta tăng đến mức 80 - 90%."

Để hướng dẫn các em một số kỹ năng đảm bảo an toàn, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, các em học sinh cần ghi nhớ 9 điều sau đây:

Thứ nhất, ngay khi bước chân vào một địa điểm, các em hãy lập tức tìm kiếm lối thoát hiểm cho bản thân. Tốt nhất hãy tìm từ hai lối thoát hiểm trở lên.

Thứ hai, khi sự cố xảy ra, tuyệt đối không được hoảng loạn, hãy bình tĩnh quan sát và tìm cách thoát hiểm cho chính mình và mọi người.

Thứ ba, không được chen lấn xô đẩy. Nếu ở trường, các em hãy nghe theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

Thứ tư, tuyệt đối không sử dụng thang máy khi đang có sự cố xảy ra.

Thứ năm, khi thấy khói xuất hiện, lập tức tìm mảnh vải, khăn, tẩm ướt và đưa lên mũi miệng để chắn bớt khói. Nếu không có, hãy kéo vạt áo lên che mũi.

Chuyên gia hướng dẫn trẻ 9 kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân trong vụ cháy xảy ra tại chung cư mini ở ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đi cấp cứu.

Thứ sáu, nếu thấy khói sộc vào bằng cửa chính, hãy đóng chặt cửa chính, tìm khăn ướt để chèn vào các khe hở rồi di chuyển ra cửa sổ để gọi cứu hộ.

Thứ bảy, tuyệt đối không tiến hành cứu hỏa, việc quan trọng trước mắt là thoát khỏi nơi nguy hiểm. Ra tới chỗ an toàn, các em cần lập tức gọi tới 114 là đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hoặc hô hoán để người lớn đến cứu trợ.

Thứ tám, nếu di chuyển trên thang bộ mà có khói xộc từ dưới lên thì phải ngửa mặt lên trời.

Thứ chín, nếu đang có rất nhiều khói mà cần di chuyển trên một mặt bằng thì phải nằm sấp xuống và bò sát sàn nhà.

Dành lời khuyên thêm tới phụ phuynh và nhà trường, TS. tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ: "Tôi từng đến những ngôi trường như chiếc hộp, đi thuê địa điểm là những toà nhà, thậm chí 6-8 tầng, cầu thang hẹp vô cùng, chắc chỉ đủ 2 người lách qua nhau, hành lang giữa các lớp học cũng chỉ tầm 70cm. Ý nghĩ đầu tiên khi tôi vừa bước vào là mình có được trả tiền tỷ để làm quản lý ở trường đó thì mình cũng từ chối vì thảm hoạ thấy trước. Quan trọng nhất, mình thấy họ thờ ơ, coi thường tính mạng của học sinh lẫn nhân viên của nhà trường.

Trường học toàn trẻ nhỏ, nhất là trường liên cấp từ mầm non trở lên. Quá khó cho trẻ có thể xử lý thoát hiểm trong các tình huống đó. Mà những "cái hộp trường" đó thì cũng vô phương thoát ra an toàn. Đám cháy chỉ mất vài phút để giết chết hàng trăm, hàng ngàn người.

Tôi mong các chủ trường học hãy thực sự coi trọng các nguyên tắc an toàn. Tôi cũng mong các phụ huynh hãy cương quyết từ chối những ngôi trường thiết kế không an toàn dù học phí có rẻ tới đâu. Tôi nói công bằng là các thiết kế trường học công lập rộng rãi, đúng số tầng hiện nay là an toàn hơn nhiều trường tư đi thuê mướn địa điểm rồi "tân trang" cẩu thả".

Vì sao cửa thoát hiểm chống cháy ở chung cư chỉ mở một chiều và luôn phải đóng?Vì sao cửa thoát hiểm chống cháy ở chung cư chỉ mở một chiều và luôn phải đóng?

SKĐS - Việc cửa thoát hiểm chung cư chỉ có thể mở theo một chiều và luôn phải đóng kín có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các trường hợp có hỏa hoạn.

Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn