Hà Nội

Chuyên gia chỉ rõ đường lây truyền, cách phòng ngừa HIV và giang mai

14-11-2024 17:51 | Y tế
google news

SKĐS - Giang mai và HIV được coi là "người bạn đồng hành" bởi lẽ bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV. Đặc biệt, tỉ lệ này cao hơn ở quần thể người có quan hệ đồng giới.

Đường lây truyền của HIV, giang mai

Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không tìm hiểu những kiến thức để tự phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cho gia đình mình.

Virus HIV lây truyền từ người này sang người khác qua ba con đường như sau:

- Lây truyền qua đường máu: như dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy, tiêm truyền… dùng chung các vật nhọn xuyên chích qua da như kim châm cứu, dao cạo râu, dụng cụ xăm lông mi, lông mày, dùng chung dụng cụ ngoáy tai, dùng chung bàn chải đánh răng, truyền máu và các sản phẩm của máu có virus HIV….

- Lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn: như quan hệ tình dục với gái mại dâm không dùng bao cao su, quan hệ tình dục với nhiều người không dùng bao cao su.

- Lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có tỷ lệ khoảng 25-40%.

Chuyên gia chỉ rõ đường lây truyền, cách phòng ngừa HIV và giang mai- Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV. Đặc biệt, tỉ lệ này cao hơn ở quần thể người có quan hệ đồng giới.

Với bệnh giang mai, BS. Phạm Thị Lan – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, căn bệnh này cũng lây truyền qua quan hệ tình dục: Đây là đường lây truyền chủ yếu, chiếm tới 90% trường hợp. Đa số các cách quan hệ tình dục (đường âm đạo, hậu môn hay miệng) đều là nguyên nhân lây truyền bệnh giang mai.

Ngoài ra, có thể lây truyền giang mai do tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc. Lây truyền từ mẹ sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai. Lây truyền do truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh.

Các biểu hiện của bệnh giang mai không phải lúc nào cũng rõ ràng và có thể tự biến mất. Một số người bị giang mai không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn nhẹ sang giai đoạn nặng nếu không được chữa trị.

Các biểu hiện của bệnh giang mai để bạn nhận biết có thể bao gồm:

  • Các vết loét nhỏ hoặc không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng.
  • Phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
  • Xuất hiện sẩn như mụn cóc sinh dục có thể phát triển trên âm hộ ở phụ nữ hoặc xung quanh hậu môn ở cả nam và nữ.
  • Các mảng trắng trong miệng.
  • Mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt và nổi hạch ở cổ, nách và bẹn.

Cách phòng tránh HIV, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh, trong sinh hoạt thông thường như ăn chung mâm cơm, cùng ngồi nói chuyện, uống nước, bắt tay, dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, cùng chơi thể thao…. đều không có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Vì thế mà chúng ta có thể sống cùng người nhiễm HIV/AIDS một cách bình thường khi cả hai bên cùng có kiến thức để dự phòng lây nhiễm HIV cho mình và cho người khác.

Chuyên gia chỉ rõ đường lây truyền, cách phòng ngừa HIV và giang mai- Ảnh 2.

BS. Phạm Thị Lan khuyến cáo các biện pháp phòng tránh HIV, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cụ thể như sau:

  • Không quan hệ tình dục với nhiều người, đặc biệt là với gái mại dâm.
  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy 1 vợ 1 chồng.
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau mỗi lần quan hệ.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
  • Đối với sản phụ khoa mang thai cần đi khám tại các cơ sở y tế thường xuyên kiểm tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi, phát hiện bệnh kịp thời để phòng bệnh lây sang con.
  • Khi có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác (như lậu, hạ cam, sùi mào gà...), cần xét nghiệm giang mai và HIV trước và sau 3 tháng.
  • Tham gia các lớp giáo dục tại cộng đồng của cơ sở y tế về nguyên nhân, cách lây truyền, biến chứng và cách phòng bệnh…
Triển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDSTriển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS

SKĐS - BSCKII Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, từ năm 2004, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS đến khám và điều trị.


Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: