Triển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS

13-11-2024 09:14 | Y tế
google news

SKĐS - BSCKII Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, từ năm 2004, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS đến khám và điều trị.

Phòng khám B20 gồm: phòng khám, tư vấn và phòng cấp phát thuốc. Những người khám và điều trị tại phòng khám HIV/AIDS sẽ được bác sĩ theo dõi diễn biến sức khoẻ, hướng dẫn bệnh nhân cách phòng và chữa bệnh hiệu quả nhất. Đặc biệt các bác sĩ sẽ tư vấn miễn phí cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS để giúp họ có những biện pháp tránh lây bệnh ra cộng đồng.

Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám và cấp thuốc ngoại trú cho 760 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 30 bệnh nhân HIV. Mỗi đợt điều trị nội trú kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Bệnh nhân đến khám và điều trị chiếm 65% là nam, 35% là nữ. Những năm gần đây ít bệnh nhân ở giai đoạn nặng do họ có ý thức khám và điều trị sớm.

Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đến khám và điều trị cán bộ y tế thường xuyên động viên chia sẻ và tuyên truyền về cách phòng chống bệnh cũng như cách dùng thuốc kết hợp ăn uống sao cho hiệu quả để có sức khỏe tốt.

Triển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS- Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS đến khám và điều trị.

BSCKII Trần Thị Kim Anh cho hay, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân nhiễm HIV nên bắt đầu điều trị ARV càng sớm càng tốt sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. ARV giúp làm chậm sự tiến triển của HIV và duy trì sức khỏe bạn trong nhiều năm. Nếu chậm trễ trong việc điều trị, virus sẽ tiếp tục phá hủy hệ miễn dịch và tạo điều kiện mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm tính mạng.

"Khi điều trị ARV đều đặn, đúng phác đồ, không chỉ tránh lây nhiễm cho bạn tình mà còn giảm tỉ lệ lây bệnh từ mẹ sang con. Thông thường, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV nhưng không được điều trị ARV, tỉ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con lên tới 30-40% nhưng khi được dùng thuốc và có các biện pháp dự phòng, tỉ lệ lây truyền chỉ còn dưới 2%. Virus HIV có thể tái hoạt động định kỳ và bắt đầu nhân lên khi có cơ hội. Do đó, liệu pháp dùng thuốc kháng virus phải điều trị trong suốt cuộc đời bệnh nhân" - BSCKII Trần Thị Kim Anh thông tin.

Điều trị HIV: Là sử dụng thuốc ARV điều trị cho người đã nhiễm HIV để đạt được và duy trì lượng vi rút HIV thấp dưới ngưỡng phát hiện (< 200 bản sao/ml máu), từ đó không còn nguy cơ lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền; K=K).

Khi phát hiện bị nhiễm HIV/AIDS cần tiếp cận, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV càng sớm càng tốt sẽ giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh điều trị, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đóng vai trò quan trọng, hiện tại có các biện pháp như:

  • Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su;
  • Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch;
  • Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Triển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS- Ảnh 2.

HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không tìm hiểu những kiến thức để tự phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cho gia đình mình.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã và đang tổ chức cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV online qua website http://tuxetnghiem.vn tại 35 tỉnh, thành phố để những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tự làm xét nghiệm HIV và được kết nối làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV.

Những người cần đi xét nghiệm HIV sớm gồm: Người có quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm, người nghiện chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm, người quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm, phụ nữ mang thai…

Người dân có thể đến các cơ sở y tế trên địa bàn về kiểm soát bệnh tật để được tư vấn xét nghiệm một cách đầy đủ.

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Đây là chủ đề mà Việt Nam lựa chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (từ ngày 10/11 đến 10/12). Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho rằng, việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.

Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử...

Hợp tác để giảm thiểu tác động của các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDSHợp tác để giảm thiểu tác động của các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS

SKĐS - Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, WHO tự hào đã hợp tác cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để giảm thiểu tác động của các dịch bệnh truyền nhiễm như SARS, COVID-19, HIV/AIDS, viêm gan siêu vi và mpox (đậu mùa khỉ)…


Dương Hải
Ý kiến của bạn
Tags: