Đau đầu vì con nghiện game, say sưa với tivi, điện thoại
Mới nghỉ hè chưa được một tháng mà chị Vũ Thị Linh (Hà Đông, Hà Nội) căng thẳng vì không biết làm thế nào để con bớt xem tivi, chơi game trên ipad hay điện thoại.
Chị Linh cho biết, các con nghỉ hè nhưng vợ chồng chị vẫn phải đi làm cả ngày nên việc kiểm soát con xem tivi hay điện thoại rất khó thực hiện. Nếu con sang nhà hàng xóm chơi hoặc bạn đến chơi nhà thì cũng chỉ được một lúc là các con lại túm tụm vào xem tivi hoặc chơi game trên máy tính, điện thoại, ipad.
"Tôi đã thử cắt internet trước khi đi làm thì khi con thức dậy không vào được mạng đã gọi điện liên tục cho tôi nhì nhèo, thậm chí có lúc còn tức giận, hét lớn. Hơn nữa, giải pháp này cũng không ổn vì phải để mạng còn duy trì camera để thỉnh thoảng vào nhìn xem con ở nhà có an toàn không. Tôi không biết làm thế nào để giúp con "cai nghiện" tivi và các trò chơi điện tử khi kỳ nghỉ hè mới chỉ trôi qua chưa được 1 tháng".
Cũng có hai con học cấp tiểu học đang nghỉ hè ở nhà, anh Hoàng Đức Nhân (quận Hai Bà Trưng) cho hay, việc không thể giúp con "cai nghiện" tivi và các trò chơi game không chỉ khiến anh lo lắng về sức khỏe tinh thần, khả năng độ cận thị của con sẽ tăng cao mà còn làm cho mâu thuẫn gia đình ngày càng căng thẳng.
"Trời thì nóng nực, công việc thì áp lực, nhiều hôm đi làm về đã mệt, lại thấy con vẫn mải miết với mấy trò chơi điện tử, tôi thực sự rất ức chế nên nhiều khi không thể kiềm chế, trách mắng con, thậm chí có khi đánh con. 3 tuần qua, mỗi khi đi làm về, bước vào nhà là tôi thường quát: "Tắt ngay tivi, điện thoại đi". Chúng cũng tắt nhưng kèm với vẻ mặt phụng phịu. Gia đình thường xuyên căng thẳng".
Chia sẻ của chị Linh và anh Nhân cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh trong những ngày này, khi còn hai tháng nữa mới hết kỳ nghỉ hè.
Nguy hiểm hơn, mới đây, trên một diễn đàn dành cho các phụ huynh trên Facebook, một người đăng ẩn danh chia sẻ sự bất lực của mình khi phát hiện con trai mới học lớp 9 đã biết chơi bài và đánh đề trực tuyến.
Cha mẹ cần làm gì?
Chia sẻ với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống xung quanh vấn đề này, cô Nguyễn Hải Giang - giáo viên dạy kỹ năng sống tại Hà Nội cho rằng, để "tách" trẻ với thiết bị điện tử, các bậc cha mẹ cần có "chiến lược" phù hợp chứ không thể sử dụng các hình thức cực đoan như cấm đoán, mắng mỏ, tịch thu điện thoại hay cắt mạng internet… Những hành động mang tính chỉ trích, cưỡng chế như vậy khó có thể giúp con "cai" điện thoại, tivi mà chỉ càng khiến con khó chịu, phản kháng.
Theo cô Giang, cha mẹ nên đảm bảo cân bằng giữa các hoạt động bên ngoài và tại nhà như có thể cho con làm việc nhà, đọc sách hoặc tham gia các môn học ngoại khóa như vẽ, nhảy, đàn, hay tham gia trại hè… Có thể cho phép trẻ tự do đi chơi với một người bạn đáng tin cậy, thăm một công viên hoặc đi đá bóng, chơi bóng rổ…
Ngoài ra, thay vì yêu cầu trẻ dừng sử dụng thiết bị công nghệ đột ngột, cha mẹ hãy giảm dần thời lượng trong ngày dành cho ứng dụng đó. Cha mẹ có thể tự đặt quy định về thời gian sử dụng và nghiêm túc thực hiện. Thời gian cứ giảm dần cho đến khi trẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng các ứng dụng của bản thân. Để phương pháp này hiệu quả, chính phụ huynh cũng cần bỏ điện thoại xuống và chơi cùng trẻ, làm việc nhà cùng trẻ, trò chuyện cùng trẻ nhiều hơn.
Trong thời gian trẻ sử dụng thiết bị, cha mẹ có thể ngồi cùng và điều hướng trẻ, thay thế các trò chơi giải trí đơn thuần hoặc không cần suy nghĩ bằng các ứng dụng hoặc chương trình có tính giáo dục nào đó. Phụ huynh có thể đưa ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị hàng ngày như không sử dụng trong thời gian dành cho gia đình hoặc trước khi đi ngủ.
"Với trường hợp trẻ tập tành đánh bài, lô đề hay cá độ, cha mẹ cũng nên tìm hiểu những nguyên nhân lôi kéo con đến với cờ bạc từ đó có biện pháp ngăn chặn phù hợp", cô Giang cho biết.
Còn theo ThS. Đặng Hải Tú - Khoa Sức khỏe vị thành niên BV Nhi TW, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào thiết bị điện tử, game online. Cha mẹ cần khéo léo, thường xuyên nhắc nhở con về tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử quá độ, gây ảnh hưởng đến mắt, thần kinh... Đưa trẻ xem và đọc về những tác hại để trẻ hiểu, có ý thức điều chỉnh hành vi.
Đặc biệt, cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ. Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ... Ngoài ra, cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa... Khuyến khích con phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công... trong dịp hè.