Hà Nội

"Việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội"

07-08-2022 11:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều trường đại học sẽ tăng học phí từ năm học tới đây. Theo các chuyên gia, việc tăng học phí tất nhiên sẽ khó nhận được sự đồng thuận của tất cả sinh viên và phụ huynh nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo.

Tình trạng chênh lệch lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có đáng lo ngại?Tình trạng chênh lệch lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có đáng lo ngại?

SKĐS - Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, mức chênh lệch điểm thi và điểm học bạ lại dấy lên lo ngại sẽ tạo tiêu cực cho tình trạng "làm đẹp" học bạ.

Tăng học phí ở các trường đại học tự chủ

Thực tế, việc tăng học phí là theo lộ trình của các trường đại học tự chủ và được áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Theo đó, nhiều trường đại học (ĐH) thông báo mức học phí năm học mới với mức thu tăng khá cao so với năm trước, hầu hết các khối ngành đều tăng từ 20% đến gần 30%.

Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ sớm nhất, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường ĐH đang trong lộ trình tăng học phí theo xu hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Tuy vậy không có nghĩa học phí được phép tăng một cách đột biến mà cần có lộ trình cụ thể.

"Việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội" - Ảnh 2.

Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho SV đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là chính sách tài chính cho Giáo dục ĐH. Ảnh minh họa.

Ông Huỳnh Quyết Thắng thừa nhận việc tăng học phí là một trong những khó khăn và tất nhiên sẽ khó nhận được sự đồng thuận của tất cả sinh viên hay gia đình của họ nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo. "Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tăng học phí mức thấp nhất là 300.000 đồng, cao nhất là 1 triệu đồng/tín chỉ. Nhà trường cam kết mức tăng học phí tương ứng với mức tăng về chất lượng".

Năm học này, ĐH Cần Thơ cũng sẽ tăng học phí tùy ngành đào tạo, học phí một năm sẽ từ 13,2 đến 19,5 triệu đồng. Chương trình chất lượng cao là 33 triệu đồng/năm. Mức tăng này nằm trong khung cho phép về trần học phí. Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Cần Thơ: "Mức tăng năm nay chỉ 1,05 so với trước đây, mặc dù trong Nghị quyết của hội đồng trường muốn tăng 1,2 lần nhưng khi cân nhắc mọi mặt thì tăng ở mức rất thấp. Nếu tăng cao có thể gây nên cú sốc cho người học".

Cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên với hạn mức lớn hơn

Tại Hội nghị "Tự chủ đại học năm 2022" do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao những kết quả của quá trình tự chủ ĐH. Ông cho rằng đây là chủ trương đúng và phù hợp với xu thế của thế giới. Tuy nhiên, ông Nhĩ cảnh báo, quá trình tự chủ ĐH làm không khéo sẽ đánh mất cơ hội cho nhiều người học khi học phí bị đẩy lên quá cao.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng ngoài nguồn thu chính là học phí, các cơ sở giáo dục ĐH cần phải đa dạng hóa nguồn thu. Ví dụ như thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Ngoài ra, Nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên với hạn mức lớn hơn để đảm bảo người học có đủ khả năng chi trả học phí.

TS. Nguyễn Ninh Thụy - Trưởng ban Ban Kế hoạch Tài chính ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết thêm, mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là chính sách tài chính cho Giáo dục ĐH, với nhiều điểm chưa hợp lý như: đối tượng được vay khá hạn chế, mức cho vay khá thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, lãi suất cho vay cao.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Người học phải đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ người học, đặc biệt thông qua cơ chế tín dụng. Chúng tôi rất mừng vì Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đồng ý nâng mức tín dụng cho sinh viên".

Tuy nhiên, Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, phạm vi đối tượng chưa được mở rộng đáng kể. "Chúng tôi cho rằng, một chính sách rất quan trọng là cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên đi học không cần phải lo lắng về việc mình có điều kiện học không. Đó chính là công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý, việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội mà nhìn từ một quan điểm ngược lại, các trường ĐH muốn có chính sách hỗ trợ cho SV nghèo từ các gia đình khó khăn thì cần phải có kinh phí hỗ trợ, mà muốn có kinh phí hỗ trợ đó thì không có cách nào khác là phải tăng học phí. Khi học phí ở mức phù hợp thì mới có điều kiện để hỗ trợ cho gia đình khó khăn. Nếu giữ học phí ở mức thấp thì vừa suy giảm chất lượng đào tạo mà các trường lại không có điều kiện để hỗ trợ cho các SV nghèo".

Tăng học phí có đi đôi với chất lượng?Tăng học phí có đi đôi với chất lượng?

SKĐS - Trong tuần qua, bên cạnh những ý kiến chưa đồng tình về việc tăng học phí trong thời điểm này thì nhiều người đặt câu hỏi: "Việc tăng học phí có giúp cho chất lượng học tập tốt hơn?".


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn