8 triệu 1kg bọ xít đen?
Bọ xít đen, loài côn trùng từng khiến nhiều nhà vườn lao đao vì khả năng hút nhựa cây, gây hại cho hoa màu, nay bỗng trở thành "hàng hot" mới trên thị trường với giá thu mua lên đến 8 triệu đồng/kg.
Các thương lái đăng đàn trên các hội nhóm thu mua bọ xít đen tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...với giá cao ngất ngưởng, dao động 3 - 8 triệu đồng/kg tùy loại. Theo các thương lái, loại này không dùng làm thực phẩm mà được thương lái Trung Quốc mua về làm thuốc.
Nguyễn Hồng Trung, một thương lái thu mua bọ xít đen cho biết, anh gom hàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Thương lái đặt vấn đề muốn thu mua bọ xít đen với giá cao, có bao nhiêu thu mua bấy nhiêu nên anh đăng bài trên hội nhóm để gom được nhiều.
Ngoài bọ xít đen, thương lái còn thu mua các loài khác như bọ hung, sâu ba vạch, xác ve sầu…Tuy nhiên, tính đến hiện tại, bọ xít đen là loại côn trùng được thu mua với giá cao nhất do số lượng bọ xít đen ngày càng ít khiến hàng khan hiếm hơn. Xác ve sầu cũng được với giá hơn 2 triệu đồng/kg.
Theo GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, bọ xít đen có tên khoa học Scotinophora lurida, họ Bọ xít, bộ Cánh nửa cứng, phân bố rộng rãi ở nước ta, có những năm đã phát sinh thành dịch và phá hại nặng ở nhiều nơi. Đặc biệt những năm gần đây nó gây hại nặng ở nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hoá, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tháp Mười, Tam Nông…) nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Cần Thơ…) nói chung làm ảnh hưởng đáng kể tới năng suất và phẩm chất lúa trong khu vực.
Bọ xít trưởng thành và bọ xít non chích hút nhựa lá, thân, đòng cây lúa để lại điểm đốm màu vàng sau đó thâm đen cây lúa. Bị bọ xít hại nhẹ, cây sinh trưởng phát triển kém, nếu bị nặng toàn cây khô héo và chết. Nếu bị nặng ở thời kỳ làm đòng, lúa không trổ được, ở thời kỳ trổ bông lúa bị lép hay bạc trắng ảnh hưởng lớn đến năng suất, phẩm chất lúa.
Trong dân gian, một số loài bọ xít đã được khai thác làm thực phẩm như bọ xít hôi (Leptocorisa acuta), bọ xít xanh (Nezara viridula), bọ xít đen (Scotinophara spp) và bọ xít hại nhãn vải (Tesaratoma papillosa)... Bọ xít nhãn vải là loài được khai thác phổ biến và số lượng nhiều nhất để làm thực phẩm. "Khi sử dụng bọ xít làm thực phẩm, đã có những trường hợp bị ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong", GS.TS Bùi Công Hiển nói và cho biết rất khó biết nguyên nhân (có thể dính thuốc trừ sâu, hoặc lẫn côn trùng đã chết bị nấm ký sinh...).
Tuy nhiên GS Hiển cho biết, chưa có nghiên cứu thành phần sinh hóa về các loài này mà mới chỉ dừng ở vòng đời, thời kỳ phát sinh, phát triển để có lịch phòng trừ, vì đa số chúng hại cây trồng.
Ông cũng cảnh báo, bọ xít đen hay còn gọi là bọ xít hôi thường gây hại nặng ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Chúng đẻ trứng ở gốc lúa, cách mặt nước khoảng 10 cm hoặc gần lá lúa thành từng ổ 40-50 trứng. Ấu trùng sống quanh ổ trứng sau khi nở một thời gian, rồi phân tán, di chuyển sang nơi khác quanh gốc lúa.
Về bản chất loài này chủ yếu gây hại nên việc thương lái thu mua chúng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái. Mục đích của việc thu mua này có thể là sử dụng làm một vị thuốc trong Đông y, song đến nay cũng chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của chúng.
Những lầm tưởng về tác dụng của bọ xít
GS.TS Bùi Công Hiển cho biết côn trùng không chỉ là món ăn mà còn dùng làm nguồn thuốc chữa bệnh. Chẳng hạn, dòi ruồi có tác dụng chống nhiễm trùng vết thương; nọc ong, mật ong, sữa ong chúa, kiến, mối có thể chữa bệnh thấp khớp, viêm phế quản, viêm ruột, viêm bàng quang, phù thũng...
Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều loài côn trùng còn được sử dụng để bổ âm, tráng dương, tăng cường sinh lực, một trong số đó là bọ xít hôi. Những con bọ này có mùi hôi rất khó chịu nhưng sau khi chế biến xong chúng có mùi rất thơm, nam giới ăn nhiều rất tốt cho sức khỏe sinh lý.
GS Hiển cho biết, đây là một sai lầm phổ biến không có căn cứ. Bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus). Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn.
Theo chuyên gia, nhiều loài côn trùng đã gây ra thiệt hại to lớn cho con người như dịch châu chấu, cào cào tàn phá mùa màng và mọi thứ khi chúng tràn qua. Mối cũng phá hoại rất nhiều thành quả do con người làm ra. Do đó, trong một giới hạn nhất định, việc sử dụng các loài côn trùng này làm thức ăn cũng có thể giúp đẩy lùi được nhiều dịch hại nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tận diệt chúng thì lại tác động không tốt đến chuỗi thức ăn.
Những loài côn trùng thiên địch, ký sinh có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống con người. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thế cân bằng sinh học có lợi cho con người. Chúng còn là trợ thủ vô giá cho con người trong việc kiểm duyệt sinh học và tiêu diệt sâu hại. Do đó, khi sử dụng côn trùng làm thức ăn, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ để tránh tình trạng hủy diệt những loài có ích cho con người.
Do vậy các cơ quan quản lý cần vào cuộc làm rõ mục đích thu mua bọ xít đen làm gì, việc người dân tận diệt loài này có ảnh hưởng gì đến môi trường hay không... để có những khuyến cáo phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 8/6 | SKĐS