Nhận diện và sử dụng thuốc diệt côn trùng đúng cách, tránh nguy hại sức khoẻ

05-06-2024 06:23 | Xã hội

SKĐS - Sử dụng thuốc diệt côn trùng không rõ nguồn gốc, côn trùng không chết mà con người cũng bị ảnh hưởng. Hít và tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất này sẽ đối mặt nhiều nguy hiểm về sức khỏe.

Thanh tra Bộ Y tế phạt 3 đơn vị vi phạm về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng hơn 600 triệuThanh tra Bộ Y tế phạt 3 đơn vị vi phạm về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng hơn 600 triệu

SKĐS - Thanh tra Bộ Y tế vừa có quyết định xử phạt 3 công ty vi phạm hành chính về lĩnh vực hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hơn 600 triệu đồng; Cùng đó buộc tiêu hủy một số sản phẩm...

Ma trận các loại thuốc diệt côn trùng

Thanh tra Bộ Y tế vừa ra quyết định xử phạt 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH hóa chất phân bón thuốc BVTV DUBAI, Công ty TNHH Á Châu Hóa Sinh và Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật ATC 620 triệu đồng do sản xuất thuốc diệt côn trùng không đảm bảo tiêu chuẩn.

Trên thị trường hiện có bán rất nhiều chế phẩm sinh học dùng để diệt muỗi và các loại côn trùng khác. Các sản phẩm này rất đa dạng, được dùng phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay là chai xịt và nhang trừ muỗi. Ngoài ra, còn có các chế phẩm diệt muỗi bằng nước hoặc bột, hòa với nước để phun xịt trên diện rộng hơn, hay tinh dầu được quảng cáo là xông đuổi muỗi. Tuy nhiên, thị trường thuốc diệt côn trùng cũng thật giả lẫn lộn, nếu không hiểu biết hoặc ham giá rẻ rất dễ mua phải hóa chất độc hại núp bóng "thuốc diệt muỗi", tinh dầu xông phòng diệt khuẩn, diệt côn trùng…

Nhận diện và sử dụng thuốc diệt côn trùng đúng cách, tránh nguy hại sức khoẻ- Ảnh 2.

Thị trường thuốc diệt côn trùng bát nháo với hàng trăm loại.

Bà Phạm Thanh Vân (Mỹ Đình Hà Nội) cho biết, mới đây, sau khi mua nhang trừ muỗi được quảng cáo là không khói, bà Vân mang vào phòng kín thắp diệt muỗi. Sau một lúc thì cả nhà đều có triệu chứng nhức đầu, khó chịu. Mở cửa thông gió, tắt nhang trừ muỗi đi thì sức khỏe gia đình lại bình thường, từ hôm đó bà không dám dùng loại nhang trừ muỗi này nữa.

Liên quan tới thuốc diệt côn trùng không rõ nguồn gốc, TS Phạm Thị Khoa, nguyên Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế có những quy định rất nghiêm ngặt về phun hóa chất diệt côn trùng. Nhưng thị trường có rất nhiều loại hóa chất được bày bán tràn lan, người dân mua và tự phun thuốc, rất khó để kiểm soát mức độ nguy hiểm. Do dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài dẫn tới tình trạng côn trùng thì kháng thuốc, trơ hóa chất, còn người thì nhiễm độc.

Để diệt muỗi, TS Phạm Thị Khoa cho hay, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước. Những chậu cây phát lộc trong nhiều gia đình lâu ngày không thay nước cũng có thể là nơi phù hợp để muỗi sinh sôi. Nếu xung quanh nhà có các ao, mương nước… thì phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat để rắc lên vùng có nước mỗi tuần 1 lần.

Muỗi thường thích tập trung ở nơi râm mát, ẩm ướt. Đối với các gia đình có vườn cây quanh nhà rộng, có thể diệt muỗi bằng cách phun cồn y tế vào gốc cây. Nếu nhà có nhiều rãnh nước thải xung quanh, hãy dùng dầu hỏa đổ lên mặt nước của rãnh nước thải, muỗi sẽ không thể đẻ trứng.

TS Khoa khuyên, có thể sử dụng hương muỗi để đuổi muỗi ra khỏi nhà. Tuy nhiên hương muỗi chỉ làm muỗi ngất hoặc bay đi nơi khác chứ muỗi không chết, do đó khi dùng hương muỗi phải dùng liên tục ít nhất trong vòng 1 tuần. Sau khi đốt hương thì phải quét nhà để dọn sạch muỗi ngất đi. Khi nào không nhìn thấy có muỗi trong nhà thì mới ngừng đốt hương.

Người tiêu dùng cần lưu ý, thuốc làm côn trùng càng chết nhanh đồng nghĩa với việc nồng độ hóa chất trong thuốc rất mạnh. Như vậy không chỉ côn trùng chết, mà con người cũng bị ảnh hưởng, những người hít và tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất này sẽ đối mặt nhiều nguy hiểm về sức khỏe. Đó là còn chưa nói, nếu dùng phải thuốc không được cấp phép, thuốc giả, thì càng nguy hại hơn.

Chuyên gia khuyên không nên diệt côn trùng bằng hóa chất

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - trong các chương trình phòng, chống sốt xuất huyết luôn khẳng định "không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết". Điều này cho thấy rằng, việc diệt loăng quăng, bọ gậy mới là "gốc rễ" của quá trình phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

TS Dũng phân tích, muỗi hầu như không đậu trên tường vách, mà chỉ đậu trên quần áo, đặc biệt là quần áo đã mặc. Trong khi đó, quá trình phun hóa chất sẽ chỉ phun lên tường vách.

"Khi phun thuốc diệt muỗi xong, nếu trong gia đình vẫn có bọ gậy, loăng quăng thì chỉ 1-2 tiếng chúng sẽ lớn lên thành muỗi và lại bắt đầu chu kỳ mới để tấn công con người. Đây là lý do việc phun thuốc diệt muỗi ít hiệu quả trong quá trình phòng chống sốt xuất huyết" - Trưởng khoa Côn trùng cho biết.

TS Dũng cho biết, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ diễn ra khi có dịch. Khi đó sẽ dùng phương pháp phun ULV (phương pháp phun sương dạng hạt có khối lượng siêu nhỏ, được sử dụng chủ yếu để diệt muỗi sốt xuất huyết) để diệt những con muỗi trưởng thành. Biện pháp này mang tính tạm thời, có hiệu quả từ 1-2 tiếng.

"Để phun thuốc muỗi có hiệu quả, cần những người có chuyên môn, những cơ quan, công ty được đào tạo bài bản. Nếu người dân tự mua thuốc về phun thì có thể vừa không hiệu quả, vừa tăng tính kháng của muỗi" - TS Dũng cho biết.

Ngoài ra, trong quá trình thuê dịch vụ phun thuốc diệt muỗi, người dân cần tìm hiểu xem các hóa chất này có được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng trong chương trình phòng, chống sốt xuất huyết hay không.

Theo TS Dũng, cách tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng, chống sốt xuất huyết là thường xuyên kiểm tra xem quanh nhà có ổ bọ gậy, loăng quăng hay không. Nếu thấy muỗi xuất hiện trong nhà, người dân có thể sử dụng vợt điện để diệt muỗi. Ngoài ra, người dân cần mặc quần áo dài, đi tất và mắc màn khi ngủ.

"Đây là những biện pháp tốt nhất để phòng, chống sốt xuất huyết. Cá nhân tôi không khuyên người dân phun hóa chất diệt muỗi, bởi đây là biện pháp không bền vững" - ông Dũng nói.

Nhiều người trong một gia đình bị côn trùng đốtNhiều người trong một gia đình bị côn trùng đốt

SKĐS - Nhiều người trong một gia đình ở Hà Tĩnh thời gian gần đây liên tục bị côn trùng đốt gây mẩn đỏ, ngứa, ngành y tế tỉnh này khẩn trương vào cuộc, xử lý sớm nguồn bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tháng 6 có khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.


Tô Hội
Ý kiến của bạn