Côn trùng, bò sát lạ nhập ngoại: Bán tràn lan, ai quản lý?

26-11-2018 07:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện nay, ngày càng có nhiều người thích nuôi các động vật lạ, càng độc lạ càng đắt giá. Các cơ sở kinh doanh động vật dạng này cũng nhiều nhan nhản.

Họ rao bán trong các cửa hàng động vật cảnh, đặc biệt là bán online trên nhiều website cá nhân, trang mạng facebook. Người ta mua bán từ sâu đá, bọ cạp đen, ếch pacman, cua ma cà rồng, siêu sâu đến các loài bọ cạp, rắn, trăn... Tuy nhiên, những con vật này tiềm ẩn nguy cơ gì, ai quản lý... thì không rõ.

Động vật “độc lạ”, mua bán nhan nhản

Kênh liên lạc phổ biến nhất giữa những người có thú chơi độc này là facebook. Thậm chí có nhóm chơi còn thường xuyên tổ chức những buổi offline giao lưu về các loài bò sát, chim, cá lạ để trao đổi kinh nghiệm và mua bán hàng.

Sau “cơn sốt” những loài bò sát như kỳ đà, kỳ nhông, dân chơi chuyển sự quan tâm sang nhiều loài có giá bán cao, từ 3 - 30 triệu đồng/con như cáo sa mạc, tép ong đỏ, khỉ đuôi sóc, rồng Úc, sóc bay Úc, giông Axolotl...

Cũng có một số loài côn trùng nhỏ hơn hiện rao bán nhiều trên mạng như loài nhện, giá con nhỏ nhất cũng khoảng 100.000 đồng, to hơn một chút từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng/con. Nhện có nhiều loại như chân trắng, chân đỏ, Tarantula, Red G.Rose Tarafu.

Tắc kè thì đủ màu xanh, đỏ, vàng có giá từ 1,2-7 triệu đồng/con. Trăn kiểng cũng khá đa dạng, từ 1,5-4 triệu đồng/con. Ếch bò châu Phi, ếch Pacman, rồng Nam Mỹ, rồng Úc từ 0,7-5 triệu đồng/con. Rùa Nga, rùa sao Ấn Độ, rùa da báo từ 2,5-3,8 triệu đồng/con.

Tại một shop chuyên kinh doanh bò sát cảnh tại TP.HCM, thằn lằn đuôi gai ở sa mạc Ai Cập, Dubai cũng có giá vài triệu đồng/con. Thú săn mồi nhỏ có thằn lằn, giá 1,5-4 triệu đồng/con. Dòng ăn thịt kích thước lớn có kỳ đà Savannah Monitor, Tegu Argentina, Argus Monitor, Lace Monitor.

Liên hệ nhiều số điện thoại rao bán các loại sinh vật trên cho thấy giá bán rất khác nhau. Chủ yếu phụ thuộc “độ máu” của người chơi nên giá cả dao động liên tục, giá online chỉ để tham khảo. Người bán khẳng định tất cả là hàng nhập khẩu chính thức, có “cơ quan chức năng kiểm soát”. Theo người bán, hàng nguồn nhập từ Thái Lan. Sắp tới sẽ làm thủ tục để được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận từng con cung cấp cho khách hàng. Nhân viên này còn khẳng định những loại bò sát bán tại đây không mắc dịch bệnh cũng không gây độc.

Về nguồn gốc, theo tìm hiểu được biết, hầu hết con vật này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, đặc biệt là các nước Nam Mỹ, Đông Á, châu Âu với đủ hình thù, màu sắc.

Thậm chí có nhiều người chơi trở thành người bán. Họ học cách chăm sóc, gây giống để gây đàn, sau đó bán ra thị trường, nhanh chóng thu hồi vốn và có lãi.

Những con bò sát hình thù kỳ dị được rao bán tràn lan.

Những con bò sát hình thù kỳ dị được rao bán tràn lan.

Nguy cơ, không phải ai cũng biết

Có nhiều người mua về nuôi vì thị hiếu sưu tầm động vật độc, lạ nhưng lại không am hiểu về đặc tính sinh học cũng như nguồn gốc động vật đó nên chủ quan với các nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. Hơn nữa, đây là một thú chơi vui có thể gây tác hại môi trường sống. Bởi một khi lỡ phát triển nhân rộng và phát tán ra môi trường, đến lúc phát hiện nguy hại thì khó xử lý triệt để. Trong quá khứ, người dân từng biết đến sự sai lầm khi nhập về Việt Nam những sinh vật ngoại lai đã phá hoại môi trường sống. Điển hình như loài cá lau kiếng cũng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh (chủ yếu nhập từ Hongkong và Singapore) để bây giờ người dân ĐBSCL phải khốn đốn vì cá lau kiếng dễ thích nghi với môi trường sông nước, có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Sau thời gian phát tán ra tự nhiên, hiện cá lau kiếng đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác ở cùng một môi trường sống. Ngoài ra, có thể kể loài cá chim trắng, cá rô phi vằn, rùa tai đỏ, cây mai dương, cây ngũ sắc, bọ cánh cứng hại dừa... đã từng được nhập về Việt Nam đều nằm trong danh sách loài động vật xâm lấn cần tiêu diệt.

Hiện nay, các sinh vật ngoại lai nhập về Việt Nam chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, nhập lậu. Tìm hiểu tại các cơ quan chức năng ở TP.HCM như Chi cục Chăn nuôi Thú y, Sở Công Thương, Sở Y tế cho thấy hiện không có cơ quan nào quản lý các loại động vật làm cảnh đang bày bán trên thị trường. Theo các cơ quan này, nếu là động vật nhập khẩu thì do chi cục thú y vùng cấp phép. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Thú y vùng VI xác nhận lâu nay chưa thấy những con vật trên làm thủ tục nhập khẩu. Ông Lý Hoài Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI cho biết, đối với động vật hay côn trùng, muốn nhập khẩu vào Việt Nam thì phải xin hướng dẫn từ Cục Thú y xem con vật đó có nằm trong danh mục cấm hay không. Nếu không nằm trong danh mục cấm, người nhập khẩu phải xin các giấy chứng nhận từ nước xuất khẩu là con vật đó không mang dịch bệnh, được nuôi trong vùng an toàn. Còn đối với con vật dưới nước, phải được Tổng cục Thủy sản đồng ý cho nhập hay không. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có ai liên hệ với chi cục để nhập khẩu các loài trên.

TS. Lê Quý Kha - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, nhận định các loài vật “độc lạ” này nếu không được kiểm soát cẩn thận dễ mang nhiều dịch bệnh, nguồn lây bệnh cho con người từ các loại nấm, vi khuẩn... có hại. Bò cạp có độc tính rất cao, nguy hiểm khi tiếp xúc. Ếch cũng có nguy cơ chứa chất độc, sinh sản nhanh lấn át các loài có lợi khác. Nhện không chỉ có độc mà còn là vật truyền bệnh cho nhiều loại cây trồng. Các sinh vật ngoại này còn lai với sinh vật trong nước làm mất giống bản địa, số lượng lớn có thể làm mất cân bằng sinh thái. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm soát các loài sinh vật này.


Vũ Thanh
Ý kiến của bạn