Chế độ ăn cho phụ nữ bị tắc tia sữa

09-05-2024 06:25 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất thiết yếu và hạn chế các thực phẩm có thể giúp phòng và điều trị khi bà mẹ cho con bú bị tắc tia sữa.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho phụ nữ bị tắc tia sữa

Tắc tia sữa là tình trạng tắc nghẽn dòng sữa ở một phần vú, ở núm vú hoặc trong hệ thống ống dẫn sữa. Tắc tia sữa có thể dẫn đến viêm vú, áp xe vú…

Những tình trạng này xảy ra thường xuyên nhất trong sáu đến tám tuần đầu sau sinh nhưng cũng có thể gặp bất cứ lúc nào trong thời gian cho con bú. Chế độ ăn có ảnh hưởng lớn tới khả năng tiết sữa và chất lượng nguồn sữa mẹ, do đó dể tránh tắc tia sữa, người mẹ cần cho bé bú sớm, liên tục theo nhu cầu, tránh lo âu, căng thẳng... Điều quan trọng không kém là người mẹ cần có chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp, đủ chất, không kiêng khem quá mức.

Chế độ ăn cho phụ nữ bị tắc tia sữa- Ảnh 1.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tắc tia sữa. Ảnh minh họa.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tắc tia sữa cho phụ nữ sau sinh. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp kích thích sản xuất sữa mẹ. Chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể mẹ có đủ dưỡng chất để sản xuất sữa mẹ một cách thông suốt, hạn chế nguy cơ tắc tia sữa. Đa dạng thực phẩm lành mạnh giúp cung cấp cho mẹ và bé đầy đủ vitamin, khoáng chất, các chất dinh dưỡng cần thiết, giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh và bé phát triển khỏe mạnh.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho phụ nữ bị tắc tia sữa

Để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tắc tia sữa, phụ nữ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu sau:

Nước

Nước rất cần thiết cho việc sản xuất sữa mẹ và giúp cơ thể đào thải độc tố. Bà mẹ cho con bú nên uống từ 2,5- 3l nước mỗi ngày. Lợi ích khi uống đủ nước mỗi ngày không chỉ lợi sữa cho mẹ, nguồn sữa tốt hơn mà còn hạn chế nguy cơ bị tắc tia sữa sau sinh. Do đó, trước khi cho con bú hãy uống 1 cốc nước ấm để nguồn sữa luôn dồi dào. Nên uống nước lọc, nước trái cây, canh rau...

Chất xơ

Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, hạn chế táo bón, giúp mẹ dễ dàng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Mẹ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...

Một số thực phẩm giàu chất xơ tốt, lợi sữa như rau bồ công anh, rau bina, bông cải xanh, cải xoăn, súp lơ xanh, táo, chuối, cam, lê, bưởi, đu đủ, yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám...

Vitamin và khoáng chất

Vitamin, khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất sữa mẹ và sức khỏe của mẹ cũng như trẻ bú mẹ. Phụ nữ cho con bú nên bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết như vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, canxi, sắt…

Một số thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất tốt cho sữa mẹ, phòng và hỗ trợ tốt khi bị tắc tia sữa bao gồm:

  • Vitamin A: Cà rốt, khoai lang, bí đỏ...
  • Vitamin C: Cam, quýt, bưởi, ớt chuông…
  • Vitamin D: Cá hồi, sữa, trứng…
  • Vitamin E: Hạnh nhân, quả bơ, dầu ô liu...
  • Canxi: Sữa, sữa chua, phomai…
  • Sắt: Thịt bò, thịt gà, cá, rau bina…

Chất béo tốt

Chất béo tốt giúp cơ thể mẹ hấp thụ vitamin và khoáng chất tốt hơn, đồng thời giúp bé phát triển trí não. Mẹ nên ăn các thực phẩm giàu chất béo tốt như quả bơ, cá hồi, hạt chia, dầu ô liu...

Protein

Mẹ nên ăn các thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, sữa chua, các loại đậu...

Lưu ý:

Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu sẽ giúp mẹ nhanh khỏi tắc tia sữa, đồng thời giúp mẹ có đủ sữa cho bé bú, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nên ăn những thức ăn lành mạnh mà mình cảm thấy thèm ăn. Ngoài ra, cần hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Tránh ăn thức ăn lạnh. Nghỉ ngơi đầy đủ.

3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị tắc tia sữa

Chế độ ăn cho phụ nữ bị tắc tia sữa- Ảnh 3.

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để mẹ đủ lượng sữa cho con bú và phòng ngừa tắc tia sữa.

Thực phẩm nên ăn

Rau bồ công anh: Chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe, bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin K, sắt, kali, canxi. Rau bồ công anh cũng là một nguồn cung cấp chất xơ tốt. Có thể luộc hoặc nấu canh.

Măng tây: Măng tây không chỉ chứa nhiều chất xơ, vitamin A, K, chúng còn có khả năng kích thích các hormone tuyến sữa ở những bà mẹ đang cho con bú. Nhờ vậy, lượng sữa mẹ tiết ra dồi dào, chứa đủ loại vi chất cần thiết cho cơ thể đang phát triển mạnh của trẻ sơ sinh.

Cà rốt: Cà rốt là một loại rau củ phổ biến, giàu vitamin A, beta-carotene, vitamin C, kali, chất xơ và các chất chống oxy hóa khác. Những chất dinh dưỡng này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tắc tia sữa ở phụ nữ sau sinh. Có thể uống nước ép cà rốt, nấu canh, nấu cháo…

Đu đủ: Đu đủ xanh thường được hầm cùng móng giò để nấu canh, nấu cháo; đu đủ chín ăn trực tiếp hoặc xay sinh tố. Loại quả này giàu giá trị dinh dưỡng, chứa nhiều protein, chất béo, vitamin nhóm A, B, C, D, E… lại lợi sữa, dễ ăn.

Canh gà: Canh gà là món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, giúp bồi bổ cơ thể và tăng cường sức đề kháng cho mẹ. Nước dùng gà có tác dụng lợi sữa, giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Có thể nấu canh gà với các loại rau củ quả khác nhau như cà rốt, khoai lang, nấm...

Cháo yến mạch: Cháo yến mạch là món ăn giàu chất xơ, protein và vitamin, giúp mẹ no lâu và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Yến mạch cũng có tác dụng lợi sữa, giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Nấu cháo yến mạch với sữa, trái cây hoặc các loại hạt dinh dưỡng để tăng cường dinh dưỡng.

Sữa chua: Sữa chua là nguồn cung cấp lợi khuẩn dồi dào, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng cho mẹ. Sữa chua cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể mẹ và bé. Nên chọn sữa chua nguyên chất, không đường để đảm bảo sức khỏe.

Trứng gà: Trứng gà là thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất, giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh. Trứng gà cũng có tác dụng lợi sữa, giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Chế biến trứng gà thành nhiều món ăn khác nhau như trứng luộc, trứng rán, trứng ốp la...

Cá hồi: Cá hồi là thực phẩm giàu protein, omega-3, vitamin D, giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh và tốt cho sự phát triển trí não của bé. Omega-3 cũng có tác dụng lợi sữa, giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Chế biến cá hồi thành nhiều món ăn khác nhau như cá hồi nướng, cá hồi kho, cá hồi sốt me...

Hạnh nhân: Hạnh nhân là thực phẩm giàu protein, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất, giúp no lâu, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hạnh nhân cũng có tác dụng lợi sữa, giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Ăn hạnh nhân trực tiếp hoặc cho vào các món ăn khác nhau như sữa chua, salad, sữa hạt...

Chế độ ăn cho phụ nữ bị tắc tia sữa- Ảnh 4.

Thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, rượu, bia... là những thực phẩm mẹ cho con bú không nên ăn để phòng ngừa và điều trị tắc tia sữa.

Thực phẩm nên tránh

Bên cạnh việc tắc tia sữa nên ăn gì, mẹ cũng cần biết bị tắc tia sữa kiêng ăn gì để tránh bị tắc sữa nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ bị mất sữa hoàn toàn sau khi chữa tắc tia sữa.

Thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ

Các món ăn được chế biến nhiều gia vị cay, nóng, nhiều dầu mỡ có thể khiến cơ thể mẹ nóng trong sẽ khiến tình trạng tắc tia sữa nghiêm trọng hơn. Ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ thường xuyên dễ làm sữa vón cục, tăng nguy cơ tắc tia sữa.

Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường, chất béo không tốt cho sức khỏe. Các loại thức ăn chế biến sẵn như mì gói, đồ hộp, xúc xích… chứa rất ít dinh dưỡng nếu sử dụng thường xuyên sẽ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết, giảm khả năng tiết sữa, gây mất sữa.

Măng tươi, măng khô, măng chua

Măng chứa nhiều chất độc cyanide nếu sử dụng trong thời gian đang nuôi con bằng sữa mẹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sữa, khiến tình trạng tắc sữa nghiêm trọng hơn.

Rượu bia, cà phê, các loại thức uống chứa caffeine

Các loại đồ uống này làm giảm lượng sữa mẹ, ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Uống rượu bia thường xuyên sẽ khiến cơ thể mất nước khiến sữa mẹ trở nên đặc hơn, dễ vón cục gây bít tắc ống dẫn sữa, làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc tia sữa, khiến mẹ bị thiếu sữa hoặc mất sữa hoàn toàn. Mẹ nên hạn chế cà phê và các loại thức uống chứa caffeine như trà xanh, nước ngọt, nước tăng lực…

Xem thêm:

Cách phòng tắc tia sữaCách phòng tắc tia sữa

SKĐS - Em rất hay bị tắc tia sữa, tuy không nặng và có thể tự chữa ở nhà nhưng xin hỏi vì sao hay bị tắc tia sữa? Xin bác sĩ cho em lời khuyên để phòng tắc tia sữa!


ThS. BS Lê Quang Dương
Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững - VietHealth
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn