Ngày nay, trung bình mỗi người trong chúng ta đang dành 8-10 tiếng mỗi ngày để lao động, sản xuất. Việc cuốn theo dòng công việc mỗi ngày khiến chúng ta quên đi những điều giản đơn nhưng vô cùng cần thiết, đó là đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh.
Dinh dưỡng nghề nghiệp đề cập tới những tác động của dinh dưỡng đối với sức khỏe và tinh thần thoải mái của các cá nhân tại nơi làm việc, là việc hiểu mối liên quan giữa dinh dưỡng và thói quen ăn uống có ảnh hưởng thế nào tới hiệu suất công việc, năng suất và sức khỏe chung của mỗi người.
Các khía cạnh tác động của dinh dưỡng nghề nghiệp bao gồm:
Năng lượng và hiệu suất: Vẫn biết rằng cuộc sống bận rộn khiến chúng ta nhiều khi xao nhãng chuyện đảm bảo dinh dưỡng, tuy nhiên có một sự thật không thể phủ nhận rằng: Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để đạt hiệu suất tối ưu trong công việc.
Một chế độ ăn uống cân bằng đảm bảo rằng mỗi người sẽ luôn có đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động thể lực, sự tập trung tinh thần, sức bền thể chất và năng suất trong suốt ngày dài làm việc.
Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng góp phần quan trọng để bổ sung sức khỏe cho người lao động.
Chức năng nhận thức: Một chế độ dinh dưỡng tốt hỗ trợ cho chúng ta củng cố và ổn định các chức năng nhận thức như trí nhớ, sự tập trung và khả năng giải quyết vấn đề. Thực đơn có đầy đủ các chất dinh dưỡng như axit béo omega-3 (có trong các loại cá, ngũ cốc, các loại dầu oliu, dầu mè…), vitamin B (có trong các loại cá, rau xanh, hàu, trai…), chất chống oxy hóa và hydrat hóa… là điều rất cần thiết cho chức năng não tối ưu.
Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp tác động tích cực đến việc ra quyết định, khả năng sáng tạo và sức khỏe tinh thần của mỗi người chúng ta.
Một số thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hỗ trợ chức năng nhận thức cho người lao động
Sức khỏe thể chất: Một trong những khía cạnh mà dinh dưỡng nghề nghiệp cũng đề cập là sức khỏe thể chất của người lao động. Một chế độ dinh dưỡng không cân bằng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về sau như: béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về hệ cơ xương khớp… Đây là những bệnh nền phổ biến ở người cao tuổi, là kết quả của những sai lầm dinh dưỡng tích lũy trong suốt cuộc đời và các bệnh này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, cân đối không chỉ mang lại sức khỏe thể chất cho hiện tại mà còn dự phòng những tác động xấu do sai lầm dinh dưỡng gây ra trong tương lai.
Các chương trình chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc: Nhiều tổ chức, cơ quan đoàn thể đã triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc như: tổ chức khám sức khỏe định kì cho người lao động, giáo dục dinh dưỡng, xây dựng sáng kiến ăn uống lành mạnh và tiếp cận các lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng. Các chương trình này có thể tổ chức thành các buổi hội thảo, hoặc những buổi tọa đàm để người lao động tiếp cận với các chuyên gia dinh dưỡng, những người có thể hướng dẫn về thói quen ăn uống lành mạnh, vừa tốt cho sức khỏe, vừa phù hợp với nhu cầu của mỗi người.
Thực hiện khám sức khỏe thường xuyên cho nhân viên là điều rất quan trọng với các cơ quan, đoàn thể
Đảm bảo bữa ăn ca cân bằng dinh dưỡng, an toàn: Người sử dụng lao động (các cơ quan, đoàn thể) nên đảm bảo bữa ăn ca hợp lý cho người lao động: tổ chức cung cấp bữa ăn ca cho người lao động đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm. Căng tin bán thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Làm việc theo ca kíp và thời gian không cố định: Dinh dưỡng nghề nghiệp đặc biệt phù hợp với các ngành có công việc theo ca hoặc lịch làm việc không đều (nhân viên khách sạn, các y bác sĩ trực đêm…). Những người thường xuyên phải làm việc trái giờ, ngoài giờ, trực kíp đêm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh do thời gian ăn uống bị gián đoạn, thường xuyên bận rộn, thay đổi nhịp sinh học. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan, đoàn thể nên tạo điều kiện cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ để giúp nhân viên quản lý chế độ dinh dưỡng của họ trong những ngày trái ca, trực đêm mệt mỏi.
Hỗ trợ khả năng chịu đựng áp lực công việc: Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần hỗ trợ khả năng chịu đựng áp lực công việc cho người lao động. Môi trường làm việc căng thẳng, cường độ và áp lực công việc cao có thể thay đổi sở thích hoặc lựa chọn thực phẩm, như lựa chọn đồ ăn uống theo cảm xúc hoặc sử dụng đồ ăn uống tiện lợi, đồ ăn nhanh... Do đó người sử dụng lao động cần tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ các kiến thức, kỹ năng kiểm soát áp lực công việc, thúc đẩy văn hóa làm việc hỗ trợ lẫn nhau…
Nhìn chung, dinh dưỡng nghề nghiệp cho thấy tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh trong việc thúc đẩy sức khỏe, năng suất và sự hài lòng trong công việc của nhân viên. Bằng cách linh hoạt hình thức để người lao động được tiếp cận chế độ dinh dưỡng hợp lý, người sử dụng lao động có thể tối ưu sức khỏe cho nhân viên, góp phần tạo nên thành công cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Những lời khuyên thực hành để có thể duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Rau quả: Ăn ít nhất 400 gam rau quả hàng ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tăng mức tiêu thụ chất xơ. Để tăng được lượng tiêu thụ rau quả, chúng ta nên:
- Bữa ăn nào cũng có rau
- Ăn quả tươi và rau củ quả sống thay cho thức ăn vặt.
- Ăn rau quả theo mùa (mùa nào thức nấy)
- Ăn đa dạng nhiều loại rau quả
Chất béo: Giảm lượng chất béo xuống dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, bằng cách:
- Nên hấp hoặc luộc thức ăn thay vì chiên xào
- Thay mỡ, bơ bằng các loại dầu thực vật chưa bão hòa như dầu đậu nành, dầu ngô, dầu hạt cải, dầu hướng dương
- Sử dụng các loại sữa hoặc chế phẩm sữa tách bơ, thịt nạc, hoặc loại bỏ các phần mỡ thừa khỏi thịt, giảm việc tiêu thụ các thức ăn nướng hoặc chiên, các thực phẩm đóng gói sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hóa công nghiệp.
Muối, natri và kali: Chúng ta thường tiêu thụ quá nhiều natri thông qua muối (tương ứng với mức trung bình 9-12 gam muối 1 ngày) và lại ít kali (dưới 3,5 gam). Ăn nhiều natri và ít kali góp phần gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quị.
Giảm mức tiêu thụ muối xuống dưới 5g một ngày bằng cách:
- Hạn chế sử dụng muối và các gia vị có chứa nhiều muối (như nước mắm, nước tương) khi nấu nướng và chuẩn bị thực phẩm
- Không để muối và các loại nước chấm mặn trên bàn ăn
- Giảm tiêu thụ các thức ăn vặt chứa nhiều muối
- Chọn các thực phẩm có hàm lượng muối thấp
Đường: Đường đơn nên ở ngưỡng dưới 10% trong tổng số năng lượng khẩu phần (tốt nhất là dưới 5%) để kiểm soát được cân nặng, giảm các nguy cơ về tim mạch và tiểu đường.
- Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nước uống có hàm lượng đường cao như đồ ăn vặt, kẹo, nước ngọt (có ga hoặc không có ga), nước quả, các dịch cô đặc hoặc bột pha nước uống, nước uống có hương vị, nước uống năng lượng, trà uống liền, cà phê uống liền, sữa có đường.
- Ăn các loại quả và rau sống thay vì đồ ăn vặt có chứa đường.