Chế độ ăn cho người bệnh sởi

19-03-2024 14:47 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh sởi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây lan dễ dàng khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể trở nặng, biến chứng và thậm chí tử vong. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi người nhưng phổ biến nhất ở trẻ em.

Bệnh sởi lây nhiễm qua đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Nếu phụ nữ mắc bệnh sởi khi mang thai, điều này có thể gây nguy hiểm cho người mẹ và có thể dẫn đến việc con họ sinh non với cân nặng khi sinh thấp.

Các biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi. Chúng thường xảy ra ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là những trẻ không có đủ vitamin A hoặc có hệ miễn dịch yếu do HIV và các bệnh khác. Bản thân bệnh sởi cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể khiến cơ thể "quên" cách tự bảo vệ mình trước các bệnh nhiễm trùng, khiến trẻ rất dễ bị tổn thương.

Chế độ ăn cho người bệnh sởi- Ảnh 1.

Các triệu chứng bệnh sởi bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS.BS. Lê Bạch Mai và ThS.BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc. Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng. Ngược lại, trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng thậm chí suy dinh dưỡng nặng. Do đó nếu trong quá trình điều trị bệnh sởi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sẽ cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng. Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý và chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng và chữa bệnh sởi.

Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị thì chăm sóc dinh dưỡng với người bệnh sởi rất quan trọng.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây sốt và phát ban đỏ, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Sốt cao thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi. Nó bắt đầu từ mười đến mười hai ngày sau khi tiếp xúc với virus. Cơn sốt sẽ kéo dài từ 4 đến 7 ngày và cũng có thể kèm theo chảy nước mũi, mắt đỏ, đau họng, đốm koplik (sưng trắng trong miệng) hoặc phát ban. Các ban bắt đầu từ chân tóc và lan đến cổ, thân, tay chân, bàn chân và bàn tay.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn nhằm nâng cao miễn dịch cho bệnh nhân sởi, nhất là đối với trẻ em phải ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng với 15-20 loại thực phẩm), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.

Chế độ ăn cho người bệnh sởi- Ảnh 3.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng.

Trong giai đoạn cấp tính, chế độ ăn tăng cường trái cây sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong giai đoạn dưỡng bệnh khi nhiệt độ đạt mức bình thường, hãy tiêu thụ những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Sau khi đã khỏi bệnh, cần ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần, nhất là trẻ em để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.

Nên bổ sung đa vitamin- khoáng chất mà trong thành phần có vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng hơn cả là vitamin A, C và kẽm giúp cho nâng cao miễn dịch.

Uống đủ nước

Chế độ ăn của người bệnh sởi cần chú ý bổ sung đủ nước khoảng 8 ly nước, cùng với các chất lỏng khác như nước chanh pha loãng, nước cam, nước dừa. Người lớn cũng có thể dùng trà thảo dược trong chế độ ăn bệnh sởi.

Phải cho người bệnh uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Có thể uống nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi người bệnh sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.

Protein

Cần cho người bệnh ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Vitamin A

Vitamin A có chức năng bảo tồn tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch.

Thiếu vitamin A thường xảy ra ở trẻ em được nuôi dưỡng không đầy đủ. Những bệnh nhân này thường có dự trữ vitamin A ở gan rất thấp khi bị nhiễm sởi, mặc dù nguyên nhân chính xác còn chưa rõ ràng.

Tác dụng của của vitamin A trong điều trị bệnh sởi lần đầu tiên được báo cáo trong năm 1932. Các nghiên cứu đã xác nhận việc bổ sung vitamin A làm giảm mức độ nặng của các biến chứng (ví dụ tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp) ở bệnh nhân mắc bệnh sởi.

Nên tăng cường ăn các sản phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau bina, rau lá xanh… vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tử vong, viêm phổi và các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em mắc bệnh sởi.

Vitamin C

Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Bổ sung nhiều vitamin C bằng cách ăn các thực phẩm giàu vitamin như bưởi, cam và chanh rất hữu ích trong trường hợp mắc bệnh sởi. Nó tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để đối phó với virus và giúp phục hồi nhanh chóng.

Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như: Cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, táo, lê và các loại rau như rau ngót, rau giền, rau đay, mồng tơi, rau muống…

Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ uống nước quả chín (từ 1-2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C giúp nâng cao miễn dịch.

Chế độ ăn cho người bệnh sởi- Ảnh 4.

Bổ sung trái cây giàu vitamin C cho người bệnh sởi.

Kẽm

Kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ. Nên bổ sung kẽm cho cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của nhân viên y tế bằng đường uống cho trẻ.

Liều bổ sung kẽm: 10mg kẽm/ngày cho trẻ < 6 tháng và 20 mg/ngày cho trẻ > 6 tháng cho đợt điều trị 14 ngày. Người lớn có thể dùng bổ sung 20-30mg/ngày trong thời gian mắc sởi.

Lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm: Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh tốt nhất.

3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh sởi

Theo BS. Phó Thuần Hương và Lương y Đình Thuấn, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên ăn uống những món sau trong từng giai đoạn bệnh để hỗ trợ điều trị.

Thời kỳ khởi phát

Giai đoạn này bệnh nhân sốt, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sợ lanhjm mắt đỏ chảy nước mắt. Niêm mạc miệng và khoang miệng, hai gò má xuất hiện các mẩn màu trắng, viền ngoài hơi hồng. Dùng món ăn thuốc sau:

Canh rau má: rau má 200g, thịt heo nạc hầm 50g, nước gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Canh cá lóc: cá lóc 1 con nướng chín lấy thịt, rau tần ô 100g thêm gia vị nấu ăn.

Nước mía ép: mía, rau mùi 100g ép nước khoảng 1 ly uống ngày vài lần.

Nước nấm hương: nấm hương 25g, bạc hà 2g. Nấm hương rửa sạch cho vào nồi cùng 200ml nước đun sôi kỹ trong 2 - 3 phút, vớt bỏ nấm hương, cho bạc hà vào đun tiếp, khi sôi kỹ chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, chỉ uống trong 1 - 2 ngày đầu khi mới mắc bệnh.

Nước rau mùi: rau mùi tươi 25g, để cả rễ rửa sạch cắt nhỏ cho vào nồi thêm 250ml nước, đun sôi kỹ 1 - 2 phút, chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, chỉ uống 1 - 2 ngày đầu khi mới mắc bệnh.

Canh đậu phụ: đậu phụ 1 miếng khoảng 200g, rau mùi non 25g, dầu thực vật bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Đậu phụ cắt miếng nhỏ, rán bằng dầu thực vật cho vàng. Rau mùi rửa sạch cho vào nồi, thêm 250ml nước sôi, đun nhỏ lửa, canh sôi cho đậu phụ, bột ngọt, bột gia vị vào đảo đều, canh sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói, có thể ăn với cơm, chỉ ăn 1 - 2 ngày đầu mới bị sởi.

Chế độ ăn cho người bệnh sởi- Ảnh 5.

Tùy từng giai đoạn bệnh nên chăm sóc dinh dưỡng phù hợp. Ảnh minh họa.

Thời kỳ sởi mọc

Giai đoạn 2: Bệnh nhân sốt cao kéo dài, ho tăng, nặng tiếng, miệng khát, người khó ở, trằn trọc, nổi các nốt mẩn nhỏ màu đỏ gồ cao hơn mặt da, sờ vào thấy gợn ở đầu, trán, cổ, mặt. Mụn dày dần lên lan xuống ngực, bụng, chân tay, cuối giai đoạn sốt giảm. Dùng món ăn bổ, mát giải nhiệt độc:

Cháo đậu xanh: đậu xanh 200g còn nguyên vỏ nấu nhừ cho muối đường vừa đủ ăn.

Canh bí đao: bí đao 200g, đùi heo 200g, làm sạch chặt khúc, thêm rau mùi, hành hoa gia vị nấu canh ăn.

Cháo cá chép: cá chép luộc lấy thịt phi hành cho thơm, gạo ngon nấu nhừ cho nhiều gia vị rau mùi, hành hoa ăn nóng.

Canh chua cá lóc: giá đậu 100g, dứa 50g, cà chua 30g, đậu bắp 40g, cá lóc làm sạch 100g, me, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Nước củ cải: củ cải 150g, đường phèn 15g. Củ cải rửa sạch ép lấy nước, cho đường phèn vào, hấp cách thủy cho chín và tan hết đường, để nguội chia hai lần uống trong ngày. Uống 1 - 2 ngày liền.

Nước lê tươi: lê tươi 1 quả khoảng 200g, đường phèn 10g. Lê tươi rửa sạch cắt ở phần gần núm thành một cái nắp, khoét bỏ một phần ruột quả, cho đường phèn vào đậy nắp lại, ghim chặt, hấp cách thủy. Khi lê chín đem ép lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 2 - 3 ngày.

Nước cỏ tranh: rễ cỏ tranh 50g, vỏ mía xanh 100g. Rễ cỏ tranh nhặt kỹ rửa sạch, cắt nhỏ. Vỏ mía xanh rửa sạch cắt khúc. Cả hai cho vào nồi, thêm 250ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Chỉ uống 1 - 2 ngày.

Nước cà rốt: cà rốt tươi 200g, rửa sạch, xay nhỏ cho vào nồi thêm 250ml nước, đun nhỏ lửa cho sôi kỹ, ép nước chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 2 - 3 ngày.

Thời kỳ sởi bay

Chế độ ăn cho người bệnh sởi- Ảnh 6.

Với người bệnh sởi, cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị nhưng thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn.

Các nốt sởi bớt đỏ, sốt cao đã giảm, sởi lặn dần từ cổ xuống chân. Các mụn mẩn lặn theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ xuống tới chân tay, sốt giảm dần, bệnh nhân ho khan ít đờm, miệng, họng khô, mặt da bong rụng như mạt cám, cơ thể thấy thoải mái, người bệnh khỏe dần trở lại thì nên dùng món bổ mát tiêu độc.

Canh khoai từ: khoai từ 200g, thịt đùi heo 50g, rau mùi, hành, gia vị vừa đủ nấu ăn.

Canh củ cải: củ cải 100g, cà rốt 50g, nấm hương 20g, thịt giò heo 50g.

Chè đậu đen: đậu đen xanh lòng 100g, đường cát vừa đủ nấu chè ăn.

Cháo hồng táo: hồng táo 5 quả, củ mài 25g, gạo tẻ 50g, đường phèn 15g. Hồng táo bỏ hạt, giã nhỏ cho vào nồi thêm 400ml nước đun sôi. Củ mài, gạo tẻ xay nhỏ, cho nước táo vào quấy đều nấu thành cháo, cháo chín cho đường phèn vào, quấy tan, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói, ăn liền 4 - 5 ngày.

Cháo kê: kê hạt 50g, hạt sen cả tâm 30g, đường phèn 10g. Hạt kê bỏ vỏ cho vào nồi thêm nước nấu thành cháo. Hạt sen bỏ vỏ xay thành bột mịn, khi cháo kê chín nhừ cho bột hạt sen, đường phèn vào khuấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 2 lần lúc đói, ăn liền 3 - 4 ngày để phục hồi sức khỏe sau khi sởi bay, giảm trằn trọc, khó ngủ.

Cháo cà rốt: cà rốt 50g, củ mài 25g, lá dâu non 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn 15g. Cà rốt rửa sạch. Củ mài, gạo xay nhỏ cho vào nồi thêm nước nấu cháo. Lá dâu rửa sạch thái nhỏ, khi cháo chín cho lá dâu, đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 2 lần lúc đói, ăn liền 4 - 5 ngày. Tác dụng: tiệt nọc sởi, loại trừ biến chứng ho kéo dài và đờm khò khè ở cổ.

Lưu ý: Bệnh sởi phần nhiều thiên về nóng (nhiệt) sốt lâu mất tân dịch, mất nước, do vậy nên tránh thức ăn khô nóng, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và thịt, cá chiên rán, kho, cho nhiều gia vị cay nóng như tiêu ớt, tỏi... Nếu đang sốt cao, hạn chế ăn (đạm) động vật thay bằng đạm thực vật có trong các loại đậu mát dễ tiêu hơn. Nếu thời kỳ sởi mọc, bệnh nhân lại cảm thêm phong hàn, hoặc do trời quá rét làm sởi mọc không được thì không nên dùng thức ăn chua lạnh như: cam, cà, cá tanh, rau càng cua, ốc, hến....

4. Một số lưu ý trong chế độ ăn cho người bệnh sởi

Chế độ ăn cho người bệnh sởi- Ảnh 7.

Không ăn các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói...

Cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị nhưng thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh.

Thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Tránh các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói…

Khi chế biến tránh làm rau bị dập nát, cắt /thái và cho rau vào nấu khi nước đã sôi, nấu xong ăn ngay để tránh mất các vitamin, nhất là vitamin C và beta-caroten.

Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho người bệnh ăn.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước ấm để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Để có kết quả tốt hơn, hãy uống vào buổi sáng khi bụng đói và buổi tối. Giai đoạn đầu, bệnh nhân nên uống nước ép trái cây như cam và chanh, vì người bệnh cảm thấy chán ăn, điều này là đủ. Dần dần, người bệnh có thể bắt đầu ăn trái cây và có chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường hệ miễn dịch.

Khi đang bị bệnh sởi không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri…., hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn đã từng bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.

Bệnh sởi: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và cách điều trịBệnh sởi: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Sởi là bệnh lưu hành rộng vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, mức độ lây lan rất nhanh nên dễ bùng phát thành dịch. Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh sởi có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh.


Thuỳ Vân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn