Không chủ quan với biến chứng sau sởi

28-08-2019 16:24 | Đời sống
google news

SKĐS - Biến chứng sau sởi (dân gian hay gọi là sởi chạy hậu) là bệnh mắc phải sau khi bị sởi.

Nhiều cha mẹ thấy con đã hết bệnh sởi thì lại có tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu sởi trẻ vẫn rất cần được các bậc phụ huynh theo dõi sát sao để tránh tình trạng khi cơ thể trẻ còn yếu dễ mắc thêm các bệnh khác, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi bị sởi.

Nguyên nhân của biến chứng sau sởi có thể liên quan đến các yếu tố nguy cơ sau: do khả năng miễn dịch của bệnh nhân yếu, không đủ sức chống đỡ với tác nhân gây bệnh tăng nguy cơ mắc bệnh mới sau khi mắc sởi. Do kết quả điều trị chưa tốt, bệnh nhân ốm yếu, tác nhân gây bệnh chưa hết cũng tạo điều kiện cho bệnh mới phát sinh.

Viêm phổi nặng là biến chứng của bệnh sởi.

Viêm phổi nặng là biến chứng của bệnh sởi.

Sởi chạy hậu trở nặng

Bệnh sởi khi vào mùa dịch lây lan rộng, trẻ em nhập viện nhiều, dẫn đến nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khiến cho các bệnh nhi đang điều trị có thể mắc cùng lúc sởi đồng thời với bệnh khác. Khi đó, nếu số lượng bệnh nhiều thì số ca diễn tiến nặng cũng tăng, với khoảng 10% trong tổng số ca bệnh sởi là ca nặng, rơi vào tình trạng sởi biến chứng. Bên cạnh các trẻ điều trị thuyên giảm sởi thì những trường hợp tái nhập viện vì bị hậu sởi cũng chiếm tỷ lệ đáng kể, bởi dù trẻ đã khỏi bệnh, nhưng từ 7 - 10 ngày sau, cơ thể trẻ còn khá yếu, sức đề kháng chưa thật sự phục hồi nên khả năng nhiễm bệnh tăng cao.

Nhiều trường hợp, khi trẻ đã hết bệnh sởi thì nghĩ là trẻ đã khỏe, không chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ hậu sởi, vô tình là điều kiện cho bệnh khác xâm nhập, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, đang có bệnh nền mạn tính như tim, suyễn, suy dinh dưỡng. Vì vậy, trong khi trẻ bị sởi và ngay cả khi đã lui bệnh thì phụ huynh vẫn cần chăm sóc trẻ cẩn thận. Tùy theo cơ địa của từng trẻ mà phải từ 1 - 3 tháng sau khi khỏi bệnh, cả hệ miễn dịch và thể trạng của trẻ mới có thể phục hồi hoàn toàn như trước.

Các biến chứng hậu sởi

Đối với bệnh sởi thì nguy hiểm nhất thường là các biến chứng hậu sởi. Theo đó, các biến chứng thường gặp sau sởi bao gồm: viêm phổi, viêm hô hấp, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, nhiễm trùng, viêm não. Tuy nhiên, đa số các trẻ nhỏ bị sởi chỉ xuất hiện biến chứng viêm phổi. Ở trẻ lớn và người lớn, sởi biến chứng có thể bao gồm viêm cơ tim, viêm não. Đa phần các trẻ nhỏ nhập viện đi kèm là viêm phổi, có trường hợp trẻ vừa mới phát ban đã bị viêm phổi ngay, có trẻ dứt ban rồi mới bị viêm phổi. Một số trường hợp biến chứng thành viêm phổi nặng, phải thở máy. Bệnh viêm phổi hậu sởi xảy ra khi hết sởi 1 - 2 tuần, trẻ bắt đầu bị viêm phổi, trường hợp nặng có thể sẽ không qua khỏi.

Đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh: TM

Đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh: TM

Chế độ ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho người bệnh

Chế độ ăn uống cho trẻ hậu sởi là rất quan trọng. Phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, bổ sung trái cây, nước hoa quả để tăng cường vitamin C, nhằm cải thiện sức đề kháng.

Đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm (cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất). Thức ăn nên được chế biến lỏng, mềm, dễ bổ sung. Tăng cường các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu dưới dạng siro, cốm, viên uống... có chứa vitamin A, E, C, kẽm, selen..., trong đó quan trọng nhất có thể kể đến là vitamin A, vitamin C và kẽm, vì những loại này giúp cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch.

Nếu trẻ còn đang bú mẹ, nên tiếp tục cho con bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn uống khoa học, hợp lý. Chế độ ăn hằng ngày cần đủ các thức ăn giàu đạm, như thịt, cá (các loại cá như cá chép, cá quả, cá basa, cá bông lau, cá hồi, cá trích...), trứng, sữa hay hải sản... Trường hợp trẻ bị sởi biến chứng có biểu hiện tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần tích cực bổ sung kẽm bằng đường uống theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Đối với rau quả, cần lựa chọn loại có màu vàng, đỏ (chẳng hạn như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu...) và những loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, rau súp-lơ xanh...) vì có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C... giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và thúc đẩy làm lành các tổn thương trong cơ thể, nhất là tổn thương ở mắt. Các loại trái cây giàu vitamin C như bưởi, táo, lê... cũng rất tốt cho sức đề kháng.

Khi trẻ bị sởi, phụ huynh không nên dùng các gia vị cay nóng (như ớt, hạt tiêu, tỏi, cà ri, quế, hành tây), hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng và mỡ động vật. Tuyệt đối cần tránh thức ăn dễ gây dị ứng, thức ăn lạ, thực phẩm bẩn, dễ gây ngộ độc. Bên cạnh đó, cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn ói mất nước. Loại nước sử dụng có thể là nước hoa quả như nước ép cam, bưởi, chanh... Sau khi đã khỏi bệnh, trẻ cần được ăn nhiều hơn, trong ít nhất là 2 tuần, để cơ thể nhanh chóng trở về sức khỏe tối ưu.

Với các trường hợp hậu sởi, gia đình cần theo dõi con em sát sao, những khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, cần đưa trẻ đi tái khám để kịp thời phát hiện và xử lý sởi biến chứng.


BS. Lê Anh
Ý kiến của bạn