Trước đó, như Sức khoẻ và Đời sống đã đưa tin, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 1873/QĐ-BYT về việc thành lập các đoàn kiểm tra, phúc tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2023-2024.
Theo đó, Bộ Y tế thành lập 3 đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được phân công và một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Hà Nội và Sở Y tế TPHCM tổ chức.
Ngay từ khi thành lập các đoàn, GS.TS Trần Văn Thuấn đã chỉ đạo sâu sát: Công tác kiểm tra, giám sát rất quan trọng, cần đánh giá toàn diện, thấu đáo không chỉ chất lượng dịch vụ mà quan tâm đánh giá chất lượng chuyên môn, giúp các bệnh viện nhìn ra những gì còn thiếu sót để cải tiến phục vụ người dân tốt hơn...
Nhiều nỗ lực cải tiến chất lượng cả chuyên môn và cảnh quan bệnh viện, hướng tới vì người bệnh
Đoàn kiểm tra số 3 của Bộ Y tế do TS.BS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng từ các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Răng Hàm Mặt TW TPHCM… để đánh giá toàn diện các khía cạnh chất lượng sau thời gian dài các bệnh viện tập trung chống dịch và khắc phục hậu COVID-19.
Đoàn kiểm tra đã tập trung kiểm tra, đánh giá các nội dung trong Quyết định số 4747/QĐ-BYT ngày 29/12/2023, đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam.
Qua kiểm tra thực tế các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn miền Trung kể trên, TS.BS. Dương Huy Lương cùng các thành viên đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực của các bệnh viện trong cải tiến chất lượng bệnh viện.
Cảnh quan chung của các bệnh viện có nhiều cải thiện, xanh, sạch, đẹp hơn. Ở cả 4 bệnh viện, người bệnh đều có nước uống miễn phí. Các bệnh viện đã cố gắng trang bị điều hòa, quạt tại nhiều vị trí của khu chờ khám bệnh, khu lưu trú cho người nhà người bệnh.
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế được Đoàn kiểm tra đánh giá cao khi tất cả các đơn thuốc đều được dược sỹ lâm sàng xem xét và duyệt trước khi đến với người bệnh.
Bệnh viện Trung ương Huế có điểm mới là trang bị máy điều hòa công suất lớn tại hành lang, giúp người bệnh chờ các dãy ghế dọc hành lang mát mẻ hơn; cùng đó bệnh viện cũng đưa vào hoạt động các trung tâm kỹ thuật cao Sản Phụ khoa, Ung bướu…
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế phát triển nhiều kỹ thuật như tim mạch can thiệp, nội soi, sản phụ khoa, xét nghiệm, Y học gia đình… Cùng đó, cơ sở y tế này được đoàn kiểm tra đánh giá cao khi tất cả các đơn thuốc đều có dược sỹ lâm sàng xem xét và duyệt trước khi đến với người bệnh.
Việc ứng dựng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử đã được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ công tác khám bệnh chữa bệnh ngoại trú và nội trú như Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng.
"Các vạch màu chỉ dẫn tại khoa khám bệnh đã phai mòn như phong trào cải tiến chất lượng"
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, đoàn kiểm tra đã nghiêm túc yêu cầu các bệnh viện cần nghiên cứu, cải tiến chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới như: hồ sơ bệnh án cần ghi chép đầy đủ, đặc biệt ghi nhận xét hàng ngày cần chi tiết, cần lý giải nguyên nhân thay đổi thuốc điều trị; đơn thuốc của người bệnh cần ghi rõ ràng, chi tiết lời dặn dò; Tăng cường công tác bình bệnh án, bình đơn thuốc, thực hiện thường kỳ hàng tuần trong bệnh viện;
Cùng đó, phải thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy trình chuyên môn; sắp xếp lại khoa khám bệnh cũng như các buồng bệnh nội trú cho gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh cho người bệnh; khắc phục vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị; đặc biệt chú ý phân tích những lỗi thường gặp để kịp thời rút kinh nghiệm và cải tiến.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã yêu cầu Ban giám đốc và toàn bộ các khoa, phòng rút kinh nghiệm, khẩn trương rà soát toàn bộ các hoạt động cải tiến chất lượng trên toàn bệnh viện; đảm bảo các điều kiện làm việc cho nhân viên như an toàn bức xạ, an toàn phòng chống cháy nổ, chấn chỉnh nề nếp làm việc, đồng thời quan tâm và đầu tư thích đáng cho quản lý chất lượng.
"Bênh viện cần trân trọng và lưu giữ những giá trị truyền thống lịch sử, vừa của tình hữu nghị, vừa của công tác quản lý chất lượng. Những việc đã làm tốt giai đoạn trước nếu không phát huy sẽ tụt hậu, không xứng đáng với bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Các vạch màu chỉ dẫn tại khoa khám bệnh đã phai mòn như phong trào cải tiến chất lượng"- TS Dương Huy Lương nói.
Đoàn kiểm tra cũng đánh giá cao tinh thần nghiêm túc tiếp thu của các bệnh viện. Ngay sau ngày được kiểm tra, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức họp nội bộ toàn bệnh viện để rà soát và khắc phục kịp thời những vấn đề đoàn kiểm tra yêu cầu chấn chỉnh như: yêu cầu các khoa phòng tuân thủ theo quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị của Bộ Y tế; đẩy mạnh hội chẩn liên chuyên khoa; phối hợp dược lâm sàng đẩy mạnh báo cáo ADR…
Tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, trong phiên họp công bố kết quả kiểm tra, GS. TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng nhà trường và PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc cùng toàn bộ các lãnh đạo đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đoàn kiểm tra với mong muốn bệnh viện phát triển hơn nữa.
Điển hình là lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các khoa phòng chỉnh sửa ngay phần mềm kê đơn thuốc theo đúng quy định, và trước khi bế mạc đã chỉnh sửa xong.
Thực tế cho thấy, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là bệnh viện được hưởng lợi rất nhiều khi tích cực làm cải tiến chất lượng. Từ năm 2017, bệnh viện đã chủ động đề nghị Bộ Y tế về kiểm tra, đánh giá chất lượng, số lượng người bệnh, nguồn thu và tỷ lệ hài lòng ngày càng tăng.
Tuy nhiên cơ sở y tế này cũng đang đối mặt thách thức làm thế nào duy trì chất lượng tốt trong khi người bệnh đến ngày càng đông thêm.
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh chỉ đạt khoảng 75%, cần phải nỗ lực cải tiến hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân
Trong các buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra đã trực tiếp tiến hành khảo sát sự hài lòng của người bệnh thông qua hình thức quét mã và phỏng vấn sâu, từ đó khai thác được các ý kiến phản hồi của người bệnh đối với chất lượng dịch vụ. Kết quả tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh trung bình tại các bệnh viện khoảng trên 75%.
Nhìn chung, tỷ lệ khảo sát sự hài lòng người bệnh do đoàn đánh giá thấp hơn đáng kể so với bệnh viện tự đánh giá, đặt ra yêu cầu các bệnh viện cần nỗ lực cải tiến hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đối với khảo sát sự hài lòng nhân viên y tế, đoàn đã tiến hành khảo sát toàn bộ nhân viên bằng cách quét mã, trả lời trực tuyến trên các thiết bị thông minh để đảm bảo tính khách quan và ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng. Bệnh viện đạt kết quả cao nhất trong số 4 bệnh viện là bệnh viện C Đà Nẵng với tỷ lệ hài lòng nhân viên y tế đạt 96,3%.
Điều đáng mừng là mặc dù bệnh viện còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngành y tế đang phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ hài lòng của nhân viên y tế đối với Ban giám đốc rất cao, đạt kết quả tới 97%.
BSCKII Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc bệnh viện C Đà Nẵng bày tỏ cảm ơn đoàn kiểm tra đã chỉ ra những vấn đề bệnh viện cần cải tiến, đồng thời cam kết nỗ lực hết sức để phục vụ người dân tốt hơn nhiều nữa: "Bệnh viện sẵn sànmg phục vụ không chỉ các cán bộ trung cao cấp mà cả khách du lịch tới miền Trung, người nước ngoài cũng luôn được chào đón".